Bài viết 31 - My Russia

KPTG

Thành viên thường
Mời các bạn xem tất cả bài dự thi tại đây.​
Tên tác giả: Phan Thị Thu Hà
Năm sinh: 1998
Nơi ở hiện tại: Cầu Giấy, Hà Nội

Để bầu chọn, xin mời bạn nhấn vào các ngôi sao bên trên ứng với số điểm bạn chọn.


Giữa tiết đông hanh hao của Hà Nội, đưa mắt ngắm nhìn bầu trời ảm đạm nhuốm một sắc xám ảo não, tôi lặng lẽ ngồi mơ đến phương trời xa xôi. Mười bảy tuổi, cái tuổi mà đứa bạn tôi từng gọi là “gai góc khắp nơi”, tôi lỡ chọn cho mình một tình yêu cũng gai góc chẳng kém - yêu đơn phương một vùng đất lạnh. Tình yêu với Nga là một thứ tình yêu muôn màu muôn vẻ, với đủ mọi thanh điệu của bản hòa tấu, đủ mọi cung bậc cảm xúc của văn chương. Tình yêu ấy lãng mạn có, điên dại có, và cũng đôi khi đẩy người ta vào vô vọng, nhưng người đã yêu thì cứ mãi lạc trọng niềm mê say, chẳng thể thoát ra được.

Năm nay tôi 17, nghĩa là quá muộn để biết đến một đế quốc tung hoành cõi trời Âu, quá xa để gặp được một người con Soviet và quá trẻ để thấu hết những biến động thời đại này. Tôi coi Nga như một tri âm. Chấp nhận tìm hiểu về Anh là chấp nhận cả những ánh mắt khó hiểu của người khác cùng câu hỏi “Nga có gì để thích sao?”, chấp nhận cả những lần dạo trên Internet và thấy những bình luận chẳng mấy cảm tình dành cho Anh, chấp nhận cả việc những đứa bạn ngờ vực “Mày học tiếng Nga thì có được gì không?” hay “Sao mày không thích Mỹ nhỉ?”. Tất cả những điều ấy, tôi đã quen rồi. Quen tới mức nó như thể một thứ gia vị đắng cho tuổi 17 của tôi. Tôi từng là chuyên Anh, hiện tại là chuyên Nhật, những câu hỏi ấy cũng dễ hiểu thôi.

Khoảng 10 năm trước, có một người họ hàng tặng tôi con Matryoshka này.
Giờ nghĩ lại, tôi vẫn cho rằng chính nó đã đến đây để đem đến cho tôi một sự tò mò về Anh. Ngày ấy, tôi vẫn ngây ngô. Ngồi trong chiếc xe ô tô nhỏ, trên những cung đường của mọi miền đất nước, tôi luôn đưa mắt nhìn xa xăm ngắm những cánh đồng lúa chín vàng, những con sông chẳng mấy yên ả, những cây cầu cũ ghi dấu lịch sử, bên tai là tiếng nhạc du dương của những bản tình ca Nga ai cũng nhớ. Tôi từng sợ bóng đêm bủa vây như bao đứa trẻ khác, và giai điệu “Ой у гаю при Дунаю” đã đưa tôi vào giấc ngủ. Dân ca của người Slav luôn đem đến sự yên bình, thanh thản, man mác buồn … Nhiều đêm tôi thức rất khuya, như đêm nay, chỉ để nghe nhạc Tchaikovsky. Trước khi học dương cầm tôi đã yêu Tchaikovsky, rồi đến nay tôi đã gần như nghiện nhạc của ông. Âm nhạc với tôi là lẽ sống, văn chương với tôi là nơi để cứu rỗi linh hồn, như Dostoevsky từng nói: “Cái đẹp cứu rỗi thế giới”. Tim tôi đã bao lần đổ lệ mỗi khi nghĩ đến những tác phẩm của Dostoevsky, bởi nỗi khổ, nỗi đau của từng nhân vật dường như cũng biến thành nỗi niềm riêng của tôi. Tôi đã nằm mơ thấy một Saint Peterburg hoa lệ nhưng cũng đầy rẫy điều chướng tai gai mắt khi đọc “Phục sinh” của Lev Tolstoi. Tôi từng dành ra cả tháng để tìm hiểu về tình bạn của Chekhov và Levitan, mà sau đó nó vô tình trở thành phần mở đầu cho cuốn tiểu luận của nhóm tôi về “Người trong bao”. Và cho tới bây giờ, vẫn chưa có một nhà văn nào khiến tôi rung động nhiều như Paustovsky khi ông viết “Văn được bồi bổ thêm ánh sáng và màu sắc của hội họa, cái tươi mát của những từ vốn thuộc thi ca, cái cân xứng của kiến trúc, sự rõ ràng, có khối hình của đường nét trong điêu khắc và nhịp điệu, tiết tấu và tính du dương của âm nhạc.” Văn là vẻ đẹp, chương là vẻ sáng, cả hai đều dễ dàng tìm thấy trong văn học Nga. Có gì hạnh phúc hơn tìm thấy mình trong một áng văn? Tôi yêu Anh vì nét lãng mạn gần như là bẩm sinh trong Anh.

Nếu hỏi tôi rằng tôi thích môn nào nhất khi còn đi học, tôi sẽ trả lời không đắn đo: Lịch Sử. Với nhiều người Sử là một thứ khô khan hơn cả đất vùng hạn. Trái lại, tôi thấy Sử đem tôi đến gần hơn với những năm tháng xưa cũ và với Anh. Ngày ấy, mình Anh đơn độc trên cả một vùng băng tuyết trắng trời. Từ phương Bắc qua phương Nam, từ phía Đông qua phía Tây, không một người thân, đâu kẻ bè bạn, chẳng một đồng minh. Ngày ấy, liên minh Ba Lan-Litva không có được Kremli, Moskva thuộc về Romanov. Ngày ấy, sông Neva vẫn yên bình, Moskva một trời rực lửa. Napoléon chưa từng biết đến một ngày vui trên đất Nga. Ngày ấy, Saint Peterburg không còn tên Sa Hoàng, người ta đem tình yêu gửi lại cố đô. Người ta đòi ở Anh một cái cúi đầu. Kẻ cô độc liệu có biết đến điều ấy không? Đã bao nhiêu máu và nước mắt rơi xuống vùng đất rộng lớn ấy để có được hòa bình, Anh là người hiểu hơn ai hết. Sẽ còn nhiều lắm những điều tôi khâm phục ở Anh, những gì anh phải trải qua bao lần khiến tim tôi quặn thắt và rơi nước mắt.

Ngôn ngữ là một trong số những thứ ám ảnh tôi khi suy nghĩ về tương lai. Tôi không muốn cố định mình với một hay hai ngôn ngữ như người ta thường nghĩ mà hướng tới nhiều hơn thế. Tôi yêu vẻ đẹp trong ngôn ngữ, và cố nhiên mối tình đầu của tôi chính là tiếng Nga, mặc dù tôi vẫn chưa đủ can đảm để đến với nó, khi tuổi 18 vẫn còn là đích đến chứ không phải một mốc tôi đã vượt qua. Càng ngồi nghĩ xem lí do mình yêu thích một người là gì càng dễ gây chán nản. Cho tới giờ tôi vẫn không hiểu nổi vì sao tôi yêu tiếng Nga đến vậy, dù ai cũng “dọa” rằng khó lắm, khổ lắm. Tôi suy nghĩ đơn giản, tình yêu và trách nhiệm song hành thì việc gì cũng sẽ thành nhẹ nhàng, giống như trước khi tôi đến với Nhật, đã bao người khiến tôi hoang mang về chữ Hán. Là một sự hứa hẹn đúng không, với ngôn ngữ của Anh?

Mẹ tôi luôn nói tôi là một đứa bướng bỉnh, cứng đầu và có chút bảo thủ. Có lẽ đấy lại là một tính cách hay. Chẳng phải bao năm nay tôi vẫn giữ một tình yêu trinh nguyên như mới hôm qua vậy sao? Dù có ai nghĩ tôi chỉ yêu thích nhất thời, như người ta vẫn nghĩ về việc thần tượng của người trẻ bây giờ ấy, tôi cũng không để tâm. Một ngày nào đó, tôi sẽ tới Saint Peterburg, Moskva hay Orenburg thăm những người bạn tôi đã quen. Tôi sẽ tới ngắm trời biển Kaliningrad còn phảng phất những nét xưa cũ của Phổ quốc huy hoàng xưa kia mà nay đã thuộc về đất Nga. Tôi sẽ đi, đi và viết, cho thỏa những năm tháng mơ mộng này …
 
Top