Sưu tầm Các trứ tác dành cho lứa tuổi nhi đồng

Vania

Thành viên thường
заблокированный пользователь
Tuổi thơ bao giờ cũng đem đến sự tiếc nuối nhiều nhất cho người lớn, nhưng với các bạn nhỏ, thì đó hẳn là cuộc rong chơi óng ánh sắc màu...! Tuổi niên thiếu thật đẹp sao. :63.jpg:

 

Vania

Thành viên thường
заблокированный пользователь
Câu chuyện về thời gian đã mất
Сказка о потерянном времени
Truyện ngắn "Câu chuyện về thời gian đã mất" (Сказка о потерянном времени) của nhà văn Yevgeny L. Shvarts (Евгений Львович Шварц, 1896 - 1958), do ký giả Phan Việt Hùng phiên dịch từ Nga ngữ. Văn phẩm này đã hai lần được chuyển thể thành phim và nhiều lần khác được ấn hành dưới dạng truyện tranh.

Tôn trọng nguyên tác và bản dịch, mình dẫn link bản Nga ngữ và chỉ sửa lỗi chính tả của chú Hùng.

http://deti-online.com/skazki/sbornik-skazok/skazka-o-poteryannom-vremeni/


Ngày nảy ngày nay, có một chú bé tên là Pê-chi-a Du-bốp. Cậu ta học lớp Ba trường Tiểu học số 14 và là học sinh cá biệt trong lớp. Pê-chi-a học Văn rất kém, học Toán khá tồi, thậm chí ngay cả môn Âm nhạc cũng đội sổ trong lớp nốt.

Giữa học kỳ I, Pê-chi-a tuyên bố trước cả lớp :

- Tớ sẽ đuổi kịp các cậu thôi. Đến cuối học kỳ các cậu sẽ thấy.

Hết học kỳ I, Pê-chi-a vẫn lẹt đẹt cuối lớp. Ấ thế mà lúc nào cậu ta cũng mạnh miệng nói : “Tớ sẽ đuổi kịp các cậu. Vẫn còn kịp chán !”. Đấy, lúc nào cũng đi học muộn, mà vẫn cứ nói như thế thì ai mà tin được cơ chứ.

Sáng nọ, Pê-chi-a lại đi học muộn. Cậu ta chạy hộc tốc đến chỗ gửi quần áo, thở hổn hển :

- Bác Na-ta-xa ơi, cho cháu gửi áo khoác với.

Bác Na-ta-xa ngồi ở góc phòng, hỏi vọng ra :

- Ai gọi tôi đấy ?

- Cháu là Pê-chi-a Du-bốp mà bác – Cậu bé trả lời.

- Sao hôm nay giọng cháu rè rè thế ? – Bác Na-ta-xa hỏi.

-Cháu cũng không rõ nữa, tự nhiên nó bị thế đấy ạ.

Bác Na-ta-xa đi ra, và kinh ngạc kêu lên :

- Ôi giời ơi !

Pê-chi-a hơi giật mình, hỏi :

- Có chuyện gì thế bác ?

- Ôi… ôi… ông… nói… ông… là… Pê-chi-a. Nhưng… nhưng… ông… lại là ông nội của Pê-chi-a, phải không ạ ?

- Sao lại là ông nội ? Cháu là Pê-chi-a Du-bốp, học sinh lớp Ba mà.

Bác Na-ta-xa nói :

- Con mời ông ra ngắm gương đi.

Cậu bé ra trước gương và suýt ngất xỉu. Pê-chi-a nhìn thấy cậu ta đã biến thành một ông lão gầy gò, cao lêu đêu. Trên mặt ông lão là một bộ râu trắng xồm xoàm. Da dẻ ông lão nhăn nheo, xanh xao.

Pê-chi-a không tin vào mắt mình nữa. Cậu ta đưa tay lên mặt. Trời ơi, đúng là có bộ râu xồm xoàm trên mặt thật.

Hoảng quá, Pê-chi-a kêu lên thấy thanh :

- Mẹ ơi ! Mẹ ơi !

Rồi ba chân bốn cẳng lao vút ra khỏi trường học.

Cậu ta vừa chạy thục mạng, vừa nghĩ : “Nếu như mẹ mà không nhận ra mình nữa, thì coi như xong đời !”.

Pê-chi-a chạy về nhà, sốt ruột nhấn chuông đến ba lần.

Mẹ ra mở cửa. Mẹ nhìn Pê-chi-a im lặng, và cậu cũng im lặng hồi hộp nhìn mẹ. Pê-chi-a đứng đó, tay sờ bộ râu bạc, mắt đỏ hoe chực khóc.

- Xin lỗi, cụ hỏi nhà ai ạ ? – Cuối cùng mẹ cũng cất lời.

- Mẹ ơi, mẹ không nhận ra con sao ? Pê-chi-a nức nở.

- Xin lỗi, có lẽ cụ nhầm nhà rồi ạ – Mẹ trả lời.

Pê-chi-a lủi thủi đi khỏi nhà mình, vừa đi vừa nghĩ :

- Mình đúng là một ông lão cô đơn, bất hạnh. Không có mẹ, không có con, cháu cũng không có nốt. Bạn bè cũng không…Mà người già thì người là giáo viên, người là bác sĩ, người là công nhân…Còn mình thì chỉ là học sinh lớp Ba, không nghề ngỗng, chẳng ai cần. Thậm chí mình cũng không có lương hưu, vì mới “đi làm” có ba năm. Đi “làm” kiểu gì mà toàn xơi “gậy” với “ngỗng”. Ôi, mình đúng là một ông già bất hạnh. Không, một đứa bé bất hạnh thì đúng hơn…Không hiểu rồi đời mình sẽ ra sao đây ?

Cứ lẩn thẩn nghĩ như vậy, Pê-chi-a không nhận ra mình đã đi xa dần thành phố và lạc vào một khu rừng.

- Kệ, rừng thì rừng, mình vào đây nghỉ ngơi tí đã – Pê-chi-a nghĩ bụng.

Thấp thoáng sau rặng thông là một ngôi nhà nhỏ. Pê-chi-a đẩy cửa bước vào. Nhà trống trơn, không có một ai trong nhà. Trên tường là một chiếc đồng hồ quả lắc, còn quanh bàn là bốn chiếc ghế đẩu. Ánh đèn dầu toả xuống đỏ quạch.

Pê-chi-a nằm xuống đống cỏ khô ở góc phòng, khóc thút thít khi nhớ lại những chuyện đã qua. Nước mắt cậu thấm ướt cả bộ râu bạc. Lát sau, cậu thiếp đi vì quá buồn ngủ.

Pê-chi-a thức giấc vì có những tiếng động lạ. Cậu hé mắt ra nhìn. Ai đó đã vặn to chiếc đèn dầu lên. Xung quanh bàn có bốn đứa trẻ đang ngồi. Trước mặt chúng là chiếc bàn tính to sụ. Bọn trẻ vừa mãi mê gảy bàn tính, vừa tranh cãi rất hăng.

- Hai năm, thêm năm năm nữa, thêm bảy năm, rồi thêm ba… E hèm. Đây, là phần tôi, tức là phần của Xéc-gây. Còn đây là của bà nhé, bà Ôn-ga. Này, bà Máp-pha, nhận lấy này. Còn đây là phần ông đấy, Pan-chê-lây ạ…

Bọn trẻ này là ai ? Mà sao chúng nó nhăn nhó, càu quạu thế nhỉ ? Chúng ho hắng, giọng khàn khàn y hệt các ông bà già. Mà sao chúng không gọi nhau bằng tên như ở lớp học, mà gọi nhau là ông bà trịnh trọng đến thế ? Đêm hôm khuya khoắt rồi, chúng nó còn tụ tập nhau trong căn nhà giữa rừng này làm gì ?

Pê-chi-a khẽ thu người lại, không dám thở to và nghe như nuốt những lời của bọn trẻ. Và cậu điếng người khi hiểu ra cớ sự.

Thì ra đó không phải là những đứa trẻ bình thường. Chúng là những lão phù thủy, mụ phù thủy độc ác sống trong khu rừng này từ bao đời nay. Bọn chúng đã biết một điều đương nhiên trong cuộc sống loài người : đó là những kẻ phí hoài thời gian thường không nhận ra mình đã già đi như thế nào. Bọn phù thủy già đã đi săn tìm những đứa trẻ lười học, suốt ngày phung phí thời gian vào những việc vô bổ để biến chúng thành các ông già bà lão. Bọn chúng đã “tóm” được Pê-chi-a và một cậu bé, hai cô bé lười học khác nữa và thực hiện phép thuật độc ác. Tuổi xuân của các cô bé, cậu bé này bị bọn phù thuỷ xảo quyệt này chiếm lấy để chúng trẻ lại, trở về lứa tuổi học trò.

Thật là đáng sợ. Nhưng sẽ phải làm gì tiếp đây ? Không lẽ Pê-chi-a và ba cô bé, cậu bé khác không bao giờ lấy lại được thời gian đã phung phí hay sao ?

Trong khi Pê-chi-a đang lo lắng như vậy thì bọn phù thủy vẫn mải mê gảy bàn tính.

Tên cầm đầu Xéc-gây bỗng nhổm dậy, đi đến chiếc đồng hồ quả lắc. Gã quay quay kim dài, kim ngắn… rồi ghé sát tai nghe ngóng tiếng bánh xe răng cưa đang xè xè chạy. Rồi gã lại chạy về bàn, gẩy gẩy bàn tính loạn cả lên. Cứ nhiều lần như vậy, rồi gã ngoắc tay thì thào với đồng bọn.

- Tôi đã biết rồi, thưa các vị. Bọn trẻ lười học kia có thể lấy lại tuổi thanh xuân của mình.

- Sao cơ ? Sao cơ ? – Cả ba đứa kia há hốc mồm ra hỏi.

- Để yên tôi nói cho. Nhưng trước tiên ta phải đi đánh hơi cái đã.

Nói rồi, Xéc-gây và đồng bọn đi kiểm tra xung quanh nhà xem có kẻ lạ nghe trộm không. Chúng khụt khịt mũi, rồi dùng đinh ba chọc khắp nơi, chọc cả vào đống cỏ khô, nơi Pê-chi-a đang thu mình nín thở như một con gián. Cũng may là chúng chọc không trúng người cậu bé. Pê-chi-a tay ôm chòm râu bạc, người cứng đờ đi vì sợ hãi.

Yên trí không có người lạ, Xéc-gây bắt đầu thì thào với ba tên kia :

- Nó là thế này, thế này… Nếu như ngày mai, cái bọn trẻ mà chúng ta biến thành người già ấy, mà tìm được nhau và rủ nhau đến đây vào lúc 12 giờ đêm thì chúng ta nguy to. Nếu bọn lười ấy mà quay ngược kim đồng hồ 77 vòng thì chúng nó sẽ trẻ lại và chúng ta cũng toi đời luôn.

Cả ba tên phù thủy còn lại tê người đi vì sợ. Lát sau mụ Ôn-ga mới rụt rè hỏi :

- Làm sao mà bọn nó biết được điều này cơ chứ ?

Gã Pan-chê-lây cười khẩy :

- 12 giờ đêm thì cái bọn chậm rề ấy làm sao mà đến được. Đi học còn suốt ngày muộn nữa là.

Mụ Máp-pha tỏ ý coi thường ra mặt :

- Cái bọn ấy thì đếm đến 77 còn nhầm, nói chuyện gì đến việc quay kim đồng hồ cho đúng.

Tên cầm đầu Xéc-gây kết luận :

- Nói gì thì nói, ta cẩn thận vẫn hơn. Còn bây giờ thì đi làm thôi.

Cả bọn phù thủy nhảy chân sáo ra khỏi nhà, y như lũ trẻ con vậy. Vừa nhảy, chúng vừa ho lụ khụ, y hệt các cụ già.

Đợi bước chân của bọn phù thủy im hẳn, Pê-chi-a mới lồm cồm bò ra khỏi chỗ nấp. Để không mất thời gian, cậu ba chân bốn cẳng chạy vào thành phố, truy tìm những đứa học trò lười cũng bị biến thành ông bà già như cậu.

Trời mới tờ mờ sáng, đường phố thưa thớt người và xe cộ qua lại. Chỉ có các chú công an là vẫn nghiêm chỉnh đứng ở các ngã tư điều khiển giao thông. Lang thang một lúc, mắt nhìn láo liên xung quanh, Pê-chi-a mới phát hiện ra một bà cụ đang xách chiếc làn đi chợ. Cậu hí hửng chạy đến, hỏi :

- Cụ ơi, cụ cho cháu hỏi, có phải cụ là… học sinh không ạ ?

- Cái gì ? Cái gì cơ, nói to lên ! – Cụ già đáp.

- Cho cháu hỏi cụ có phải học sinh lớp Ba không ạ ? – Pê-chi-a gào lên.

Không nói không rằng, bà cụ tức giận cầm chiếc làn đập cho “ông lão” Pê-chi-a một cái.

Pê-chi-a lại thất thểu đi tiếp. Trời lúc này đã sáng rỡ, mọi người bắt đầu vội vã đi làm. Những chiếc xe buýt, tàu điện hối hả chở hành khách. Những chiếc xe tải chạy ngược xuôi, vận chuyển cho kịp hàng hóa đến các cửa hàng, đến nhà máy, đến ga đường sắt. Các bác lao công khẩn trương dọn sạch những đống tuyết, rắc cát lên đường đi để mọi người bước vội không bị trơn ngã, không bị mất thời gian vô ích trên đường. Đã bao lần nhìn thấy những cảnh này, nhưng giờ Pê-chi-a mới hiểu tại sao mọi người lại sợ đi muộn, sợ bị tụt lại phía sau như thế.

Pê-chi-a vẫn mải mê đi tìm các ông bà già trên phố. Đã bao nhiêu người trung niên, người già trên đường cậu nhìn thấy, nhưng không ai có vẻ là học sinh phổ thông bị hoá phép thành. Ai nấy đều tất bật đi làm việc. Kia là một ông xách chiếc cặp, chắc hẳn đó là một giáo viên. Kia là một bác xách chiếc xô và chiếc chổi, có lẽ đó là một người thợ quét vôi. Một chiếc xe cứu hỏa phóng vù qua, trong cabin lấp ló một bác trung niên. Bác ấy là chỉ huy đội cứu hỏa thành phố. Rõ ràng là không một ai bỏ phí thời gian của mình vào những việc vô bổ. Chỉ có cậu là lang thang, là chậm chạp, chẳng ai cần đến.

Đến gần trưa thì Pê-chi-a đã mệt nhoài. Chẳng gì thì cậu cũng đã là một ông già, đi bộ nhiều thế mệt là phải. Cậu ngồi xuống một chiếc ghế để nghỉ. Đưa ánh mắt mệt mỏi nhìn quanh, Pê-chi-a phát hiện ra trên một chiếc ghế gần đó có một bà cụ đang ngồi khóc hu hu.

Pê-chi-a hí hửng định chạy đến hỏi han, nhưng rồi bụng bảo dạ : “Cứ đợi một lát xem bà ấy làm gì cái đã”.

Bà cụ đã thôi khóc, ngồi vung vẩy đôi chân. Rồi bà mở cặp, lôi ra một tờ báo và mẩu bánh nướng lẫn nho khô. Bà vừa ăn nhồm nhoàm vừa đọc báo, thỉnh thoảng lại cười một mình. Bà cụ lật trang báo. Pê-chi-a nhìn thấy rõ đó là tờ “Sự thật Thiếu nhi”. Ôi, sao lại có chuyện lạ đời thế nhỉ ?

Bà cụ đã đọc xong tờ báo và phát hiện ra một cái gì đó trong đống tuyết. Bà thò tay vào đó và moi ra một quả bóng nhựa. Chắc hẳn đó là quả bóng của bọn trẻ con đã để quên, hoặc đánh mất khi chơi cũng nên. Bà cụ lau sạch quả bóng, và sau đó bắt đầu tung bóng từ tay này sang tay khác một cách say mê.

Pê-chi-a không kìm được sự sung sướng, lao vút đến chỗ bà :

- Bà ơi bà, hê-hê-hê !

Bà cụ dừng tay ngạc nhiên nhìn Pê-chi-a râu tóc bạc phơ đang hớn hở :

- Bà ơi, cháu biết ngay bà là học sinh như cháu nhé !

Bà cụ cầm tay Pê-chi-a, hồ hởi đáp :

- Đúng rồi, cháu là Ma-ru-xia, học sinh lớp Ba. Thế cụ là ai ạ ?

Sau khi rõ mọi chuyện, Pê-chi-a và Ma-ru-xi-a nắm tay nhau tung tăng đi tìm những người bạn cùng cảnh ngộ. Suốt ba giờ đồng hồ, cả hai không tìm thấy một cụ nào có vẻ là học sinh bị hoá phép. Bỗng Pê-chi-a nhìn thấy một bà cụ đang chơi nhảy lò cò trong sân một khu tập thể. Hai bạn mừng rỡ chạy đến, hỏi :

- Bà ơi, có phải bà là học sinh không ạ ?

- Đúng rồi, cháu là học sinh lớp Ba, tên là Na-đen-ca. Thế ông bà là ai đấy ạ ?

Pê-chi-a và Ma-ru-xi-a kể cho Na-đen-ca biết chuyện, rồi cả ba cùng nhau đi tìm cậu bé còn lại. Cả ba đi khắp những nơi các ông già bà lão thường hay tụ tập, trong sân khu tập thể, trong công viên… nhưng đều không tìm thấy ai.

Trời tối dần. Khu tập thể bắt đầu sáng đèn. Cả Pê-chi-a, Ma-ru-xi-a và Na-đen-ca đều tỏ ra vô cùng lo lắng.

Bỗng Ma-ru-xi-a kêu lên mừng rỡ :

- Nhìn kìa ! Nhìn kìa !

Phía đuôi chiếc tàu điện bên kia đường là một cụ già đang đu người, chòm râu bạc phất phơ bay theo chiều gió. Không ai bảo ai, cả ba bạn chạy thục mạng đuổi theo chiếc tàu điện. May quá, đến ngã tư gặp đèn đỏ thì tàu điện dừng lại. Cả ba xông đến, kéo ông lão xuống :

- Ối ối, các ông các bà làm gì thế này ?

- Có phải cụ là học sinh không ạ ?

- Đúng thế, cháu là Va-xi-a, học sinh lớp Hai.

Cả ba bạn xúm nhau giải thích cho Va-xi-a mọi chuyện. Sau đó, để tiết kiệm thời gian, bốn bạn quyết định đi tàu điện ra ngoại ô, để đến kịp khu rừng có bọn phù thủy đáng ghét trước lúc nửa đêm.

Trên tàu điện có một nhóm học sinh đi học về. Thấy các ông bà lão lục tục lên xe, cả bọn đứng lên nhường chỗ :

- Cháu mời các ông, các bà ngồi ạ !

Cả bốn bạn nhìn nhau ngượng chín người, không có một ai dám ngồi xuống ghế.

Thấy thế, những cô bé, cậu bé rõ ràng là rất ngoan này, cố nài nỉ :

- Các ông bà cứ ngồi đi ạ. Cả cuộc đời các ông bà đã lao động mệt nhọc rồi, xin mời các ông bà ngồi nghỉ cho đỡ mệt ạ.

Cả bốn bạn chưa biết từ chối ra sao thì may quá, tàu điện đã chạy đến bến dẫn vào rừng.

Từ giờ, ta hãy gọi đây là những ông lão, bà lão cho đúng với vẻ ngoài của họ nhé.

Ông lão Pê-chi-a chạy trước. Hai bà lão và ông lão chạy lạch bạch, hổn hển theo sau. Trời tối đen như mực. Cả nhóm chạy tứ tung mà vẫn không tìm thấy ngôi nhà gỗ đâu. Pê-chi-a hối hận :

- Hôm qua để tiết kiệm thời gian nên tớ cứ chạy mà không để ý nhớ đường đi. Bây giờ tớ mới thấy là đôi khi cũng cần biết tốn thời gian một chút, để sau đó tiết kiệm được nhiều thời gian.

Bốn ông bà lão cứ loay hoay trong rừng tối đen. Bỗng có cơn gió nổi lên, xua tan đám mây đen. Mặt trăng lộ ra chiếu ánh sáng mờ ảo xuống khu rừng.

Pê-chi-a leo lên một cây bạch dương và nhìn thấy ngay gần đó ngôi nhà gỗ quen thuộc lấp ló sau rặng thông. Các cửa sổ sáng đèn, chứng tỏ có người trong đó. Pê-chi-a nhanh nhẩu tụt xuống, thì thào :

- Suỵt ! Không ai nói câu gì nhé ! Theo tớ.

Cả bốn ông lão bà lão dò dẫm trên con đường tuyết trơn trượt dẫn đến ngôi nhà gỗ. Pê-chi-a nhìn qua cửa sổ. Trời, chỉ còn 5 phút nữa là đến nửa đêm. Bọn phù thủy đang nằm ngủ mê mệt trên đống cỏ khô.

- Bọn chúng ngáy to quá ! – Ma-ru-xi-a thì thào.

- Suỵt ! – Pê-chi-a tỏ ra nghiêm khắc.

Cả bọn mở của nhẹ nhàng và tiến đến chiếc đồng hồ quả lắc. Chỉ còn 1 phút nữa là đến 12 giờ đêm. Pê-chi-a thận trọng cầm chiếc kim đồng hồ, chờ đến đúng nửa đêm. Một, hai, ba… cậu khẽ khàng quay ngược chiếc kim đồng hồ, vừa làm vừa đếm khẽ.

Bọn phù thủy bỗng rú lên những tiếng khủng khiếp, vùng đứng lên nhưng lạ thay, không đứa nào nhúc nhích được cơ thể. Chúng lớn nhanh một cách kỳ lạ, thoáng chốc đã trở thành người lớn. Những mái tóc của chúng dài ra nhanh chóng, chuyển sang màu bạc phơ, rủ xuống khuôn mặt giờ đã đầy những nếp nhăn sần sùi.

- Đỡ tớ lên với – Pê-chi-a hét lên với các bạn – Tớ đang càng ngày càng bé đi, không với tới được kim. Ba mươi mốt, ba mươi hai, ba mươi ba…

Các bạn đỡ Pê-chi-a lên. Khi chiếc kim quay ngược đến vòng thứ bốn mươi, bọn phù thủy đã trở thành những kẻ già nua, gớm ghiếc. Càng lúc, chúng càng trở nên lùn tịt. Đến vòng cuối cùng, vòng thứ bảy mươi bảy, bọn phù thủy hét lên một tiếng kinh hoàng và tan biến thành khói, như chưa hề tồn tại trên mặt đất này.

Các bạn nhỏ nhìn nhau mừng rỡ. Không ai là ông lão bà lão như lúc trước nữa. Thời gian phí hoài đã được các bạn lấy lại, để trở thành những cô cậu học trò như xưa.

Tất nhiên là các bạn trong câu chuyện này đã thoát được phép thuật độc ác của bọn phù thủy, còn bạn, bạn hãy luôn nhớ một điều rằng : Những kẻ phí hoài thời gian vào những việc vô bổ, không bao giờ nhận ra mình đã bị già đi như thế nào đâu.
 
Chỉnh sửa cuối:

Vania

Thành viên thường
заблокированный пользователь
Mẹ bỏ đi đâu

Ðoàn Nhân Chính dịch từ nguyên bản tác phẩm "Мама куда-то ушла", ấn hành lần đầu năm 1966.

http://detstvo.irkutsk.ru/authors/rasputin/work/8.html


Cậu bé mở mắt và trông thấy một con ruồi đang bò trên trần nhà. Mắt cậu hấp háy nhìn xem nó bò đi đâu.

Con ruồi tiến về phía có cửa sổ. Nó chạy không ngưng nghỉ, thành ra rất là nhanh.

Cậu bé cho rằng con ruồi đang chạy trên một con đường nên chờ xem có con ruồi nữa bò theo hay không để xác nhận đó quả thật là một con đường. Nhưng không thấy con ruồi nào khác. Sự thực là cũng có đấy, nhưng chúng không chịu bò trên trần, cho nên cậu chẳng buồn để ý. Cậu nhỏm dậy trên giường và gọi to:

- Mẹ ơi, con dậy rồi!

Không có ai đáp lời cậu bé.

- Mẹ ơi! - cậu lại gọi. - Con dậy rồi, giỏi không!

Im lặng.

Cậu bé chờ, nhưng sự im lặng không chịu qua đi.

Thế là cậu nhảy phóc khỏi giường và cứ để chân trần chạy ra phòng lớn. Phòng này trống vắng. Cậu nhìn khắp lượt, nhìn hết ghế bành sang chiếc bàn rồi nhìn lên tủ sách, nhưng tịnh không thấy một ai. Những đồ đạc ấy vẫn đứng nguyên cốt chỉ để chiếm chỗ.

Cậu bé chạy bổ sang phòng bếp, sau đó vào phòng tắm - cũng chẳng thấy ai nấp trong đó.

- Mẹ ơi! - cậu bé lại gọi.

Sự im lặng mở lòng đón rồi lập tức gói lại tiếng gọi của cậu. Không tin vào sự im lặng, cậu lại chạy bổ về phòng mình, để lại trên cái sàn nhà mới đánh bóng những dấu chân và vết tay. Chúng hiện hình, tan loãng rồi biến mất.

- Mẹ ơi, - cậu bé cố dịu giọng, - Con dậy rồi, làm sao không thấy mẹ.

Im lặng.

- Sao con không thấy mẹ, mẹ ơi? - cậu hỏi.

Nét mặt cậu căng thẳng mong đón câu trả lời, cậu ngó ngược ngó xuôi mà câu trả lời vẫn không thấy đến, thế là cậu bé bật khóc.

Vừa khóc cậu vừa chạy đến cửa ra vào và bắt đầu bặm môi mở. Cánh cửa không chịu đầu hàng. Thế là cậu dùng tay đập cửa, rồi dùng bàn chân trần đạp cửa đến trợt cả da và khóc càng to.

Cậu đứng như trời trồng ở giữa căn phòng, và những giọt nước mặt rõ ấm rõ to từ đôi mắt cậu lăn xuống cái sàn nhà mới đánh bóng. Sau đó cậu ngồi bệt xuống, vẫn không ngừng khóc.

Vạn vật chung quanh đều lắng nghe cậu và đều im lặng.

Cậu chờ, chắc là tiếng chân bước sắp đến sau lưng cậu, nhưng nào có thấy gì đâu, nên cậu không thể nào trấn tĩnh lại được.

Tình trạng đó kéo dài khá lâu, lâu đến bao nhiêu thì cậu không hề biết.

Rốt cuộc cậu lăn ra, vừa nằm vừa khóc.

Cậu đã mệt đến nỗi mất hết cảm giác, đã không còn nhận biết là mình đang khóc. Khóc lúc này cũng tự nhiên như hít thở, và không làm cậu yếu mềm đi. Ngược lại, cậu thấy mình còn mạnh mẽ hơn tiếng khóc.

Ðột nhiên cậu bé có cảm giác là trong phòng có người.

Cậu nhanh nhẹn nhỏm dậy, đứng lên và nhìn ngó chung quanh. Cái linh cảm vừa khiến cậu đứng dậy đã không chịu qua đi, và cậu bé lại chạy sang phòng khác, sau đó sang phòng bếp và vào nhà tắm. Ở tất cả các phòng đó đều không thấy một ai.

Cậu bé vừa sụt sịt vừa quay trở lại và đưa hai bàn tay lên bưng mắt. Sau đó cậu buông tay ra và ngó quanh một lần nữa. Trong phòng không có bất cứ sự thay đổi nào. Chiếc ghế bành trống chỗ, chiếc bàn đứng đó một mình, trên tủ sách, vẫn như mọi khi, là những cuốn sách, nhưng những gáy sách nhiều mầu trông mới buồn bã và trêu ngươi làm sao. Cậu bé nghĩ ngợi.

- Thôi, mình sẽ không khóc nữa, - cậu tự nhủ. - Mẹ về, sẽ thấy mình là thằng con giỏi.


Cậu đến bên giường lấy mép chăn chùi gương mặt còn nhoen nước mắt. Sau đó, cậu nhẩn nha như thể đang dạo chơi, rà soát khắp lượt tất cả những gì đang có ở trong nhà. Ðến lúc này, một ý tưởng lóe lên trong đầu cậu.

- Mẹ ơi, - cậu nói khẽ, - Con muốn ị bô.

Thực ra cậu đâu có muốn ngồi bô, nhưng đã nói thế, thể nào cũng buộc mẹ, nếu có ở nhà, sẽ phải lập tức mang bô ngay cho cậu.

- Mẹ ơi, - cậu gọi lại.

Mẹ không có ở nhà rồi, bây giờ thì cậu nắm chắc điều đó.

Phải làm cái gì đây chứ. "Bây giờ thì mình sẽ chơi, thể nào mẹ cũng về", - cậu bé quyết định. Cậu vào một góc phòng, chỗ để tất cả các thứ đồ chơi của cậu, và lấy ra một chú thỏ. Thỏ là đồ chơi ưa thích nhất của cậu. Một cái chân của nó đã bị rời ra, bố đã mấy lần nhắc cậu phải lắp cái chân đó vào, nhưng cậu không chịu nghe. Quý một con thỏ có đủ chân thì còn gì mà nói nữa, cho nên cứ để nó thiếu chân, còn chiếc chân rời ra thì nằm một xó quanh đây và cứ thế mà tự tồn tại.

- Chơi đi nào, thỏ, - cậu bé giục.

Chú thỏ lặng lẽ đồng tình.

- Chú là bệnh nhân đấy, chú bị đau chân, bây giờ ta sẽ chữa bệnh cho chú.

Cậu bé đặt chú thỏ lên giường, lấy một chiếc đinh gí vào bụng chú thỏ làm như thể tiêm cho chú một mũi thuốc.

Chú thỏ đã quen được tiêm thuốc nên không có phản ứng gì.

Cậu bé suy nghĩ một hồi, rồi như sực nhớ, rời khỏi chiếc giường và ngó ra căn phòng lớn.

Trong đó vẫn không có gì thay đổi, và sự im lặng vẫn cứ như trước, cứ chậm chạp lan ra từ góc này sang góc khác.

Cậu bé hít vào thật mạnh, quay trở lại chỗ giường và nhìn chú thỏ. Chú đang nằm yên hàn trên chiếc gối.

- Không, không làm như thế nữa, - cậu bé nói. - Bây giờ thì ta sẽ làm thỏ, và chú sẽ làm em bé. Chú sẽ chữa bệnh cho ta.

Cậu đặt chú thỏ lên chiếc ghế, còn mình thì nằm ra giường, tay bóp vào một bên chân và khóc.

Chú thỏ ngồi trên ghế ngạc nhiên hết cỡ, mở thao láo cặp mắt xanh lơ nhìn cậu.

- Ta là thỏ đây, chân ta đau quá, - cậu bé giải thích cho thỏ.

Chú thỏ vẫn im lặng.

- Này thỏ, - Sau đó cậu bé hỏi, - Thế mẹ đi đâu?

Chú thỏ không trả lời.

- Chú không ngủ thì chú biết chứ, nói đi nào, thế mẹ đi đâu? - cậu bé hỏi dồn và với tay lấy chú thỏ.

Chú thỏ im lặng.

Cậu bé quên mất rằng, trước đây, bao giờ chú cũng sắm cả hai vai và trả lời thay cho chú thỏ, nhưng bây giờ, cậu cứ nằng nặc đòi thỏ phải đáp lời. Cậu quên khuấy mất rằng chú thỏ chỉ là đồ chơi trong các thứ đồ chơi - giữa những hình khối tách rời chỉ chịu dựa vào nhau khi nào có bàn tay lắp ghép, giữa những xe cộ chỉ biết chạy khi có bàn tay vặn dây cót hoặc lắp pin vào, giữa những con thú biết gầm gừ hoặc chuyện trò khi có ai đó điều khiển chúng.

Cậu đã quên hết tiệt, cậu bé đó.

- Nói đi chứ, nói đi chứ! - cậu giục giã.

Chú thỏ tiếp tục im lặng.

Cậu bé vứt chú thỏ xuống sàn nhà, rồi cậu nhảy ra khỏi giường, vồ lấy chú thỏ, đá cho chú mấy cú.

Chú thỏ ngã quay đơ trên sàn, lăn long lóc, cậu bé cũng lăn long lóc quanh chú thỏ và luôn miệng giục giã: "Nói đi chứ, nói đi chứ, nói đi chứ!" - nhưng chú thỏ vẫn không trả lời và không thể chạy trốn đi đâu, bởi vì chú chỉ còn có mỗi một chân thôi. Và cậu bé bỗng nhiên hiểu ra điều đó. Cậu đứng dậy. Ðứng và nhìn chú thỏ dũi mũi xuống sàn và khóc không thành tiếng như thế nào. Nhưng cậu nghe thấy tiếng khóc đó. Cậu cúi xuống sát chú thỏ, buông hai cánh tay và nói như tự biết lỗi mình:

- Mẹ bỏ đi đâu ấy rồi.

Ðột nhiên cậu bé có cảm giác là ai đó đang lên cầu thang.

- Mẹ ơi! - cậu bé thét lên, chạy bổ ra cửa nhưng đụng phải chiếc ghế bành và ngã. Cậu gượng dậy, lắng tai nghe ngóng mà bên kia cánh cửa chẳng thấy động tĩnh gì. Ðến nước này thì cậu bé lại khóc. Cậu khóc vì đau đớn và cô đơn. Nỗi đau là gì, trước đó cậu đã biết. Còn với nỗi cô đơn thì nay cậu mới gặp lần đầu.

 
Top