Dân thoại Nga (Народные русские сказки) - Aleksandr Afanasyev

Cynir

Vania 3N
Модератор
Сотрудник
Dân thoại Nga (Народные русские сказки, Russian Fairytales) là nhan đề công trình kì vĩ bằng tiếng Nga tiền cải cách của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Aleksandr Nikolayevich Afanasyev trong giai đoạn 1855 - 1863, như vậy có hơi trễ so với sự phát triển cao độ của dòng văn nghệ phục hưng bản sắc trong lòng Âu châu (ta hãy nhớ thời kì cách mạng dân tộc từ đầu đến giữa thế kỉ XIX). Năm 1873, sau khi A. N. Afanasyev tạ thế 2 năm, hợp tuyển này được tái bản làm 4 quyển, gồm các thể loại : Thần thoại, truyền thuyết, đồng thoại và tiếu lâm. Cho đến nay, bộ sưu tập của A. N. Afanasyev vẫn là cứ liệu trọng yếu để hiểu dân tộc tính Nga và các quốc gia lân cận.

Khoảng năm 2009, các địa phương Liên Bang Nga thậm chí dựa vào công trình của Afanasyev để cùng nhau thiết kế Dân Thoại Dư Đồ (Сказочная карта России) nhằm kích thích thương mại và du lịch. Trào lưu này bị Tòa Thượng Phụ Chính Thống cực lực phản đối, vì cho rằng đó là một động thái phục hồi dị giáo. Rất may, vào năm 2022, đề án đã phải dừng vô thời hạn.



Александр Николаевич Афанасьев
«НАРОДНЫЕ РУССКИЕ СКАЗКИ»
Народныя Русскія Сказки А. Н. Аөанасьева
1873 г.​

О воспитательном значении собранных народных сказок (даже основного сборника), писал Афанасьеву в 1856—1858 гг. Н. А. Елагин (брат П. В. Киреевского) : «дети слушают их охотнее всех нравственных рассказов и повестей».

Иллюстрации из изданий книги «Русские детские сказки» вошли в золотой фонд русской живописи : сборник иллюстрировали И. Я. Билибин, Ю. А. Васнецов, Н. Н. Каразин, К. Кузнецов, А. Куркин, Э. Э. Лисснер, Т. А. Маврина, Р. Нарбут, Е. Д. Поленова, Е. Рачев и другие.

В своём сборнике Афанасьев систематизировал объёмный материал русских сказочных сюжетов первой половины XIX века, снабдив их обширным научным комментарием. Система, принятая Афанасьевым, является первой попыткой классификации сказок вообще.
 

Cynir

Vania 3N
Модератор
Сотрудник
NÀNG YELENA THÔNG-THÁI
Елена Премудрая




Ở xứ sở nọ hay là miền đất kia, có một người lính đứng canh tháp đồng hồ ; tòa tháp được khóa kĩ rồi niêm phong bằng một cái ấn, nhưng chỉ ban đêm thôi. Đúng mười hai giờ khuya, anh lính nghe tiếng ai vọng ở tháp xuống : "Này, tên lính !". Anh mới hỏi : "Ai gọi tôi thế ?".

"Ta đây - tà thần" - Vẫn giọng ấy hắt ra sau song sắt - "Chậc, đã ba chục năm nay ta cứ ngồi mà chẳng được ăn uống gì".

"Mi muốn gì bây giờ ?". "Hãy thả ta ra ; và kể từ nay, ta sẽ chiều ý ngươi : Hễ lúc nào ngươi gọi thì ta tới giúp".

Anh lính nghe thế liền xé phong ấn, dỡ khóa mở cửa - quả nhiên có quỷ sứ bay ra khỏi tháp, phóng lên từng không rồi trong chớp mắt đã khuất dạng.


"Chậc", anh lính tự nhủ, "Coi như ta hoàn thành bổn phận, mà đời quân dịch chỉ đáng xu sứt. Sắp tới thế nào cũng ngồi ngục, hoặc bị đem ra pháp trường, thậm chí trói cổ đi dong. Chi bằng trốn luôn còn kịp".

Đoạn, anh vứt súng và bao lưng xuống đất, cắm đầu chạy miết.

Anh lính đi suốt ba ngày rồi, bụng thì đói mà cổ khát cháy, bèn ngồi thụp xuống đường khóc ròng, nghĩ : "Mình khờ thế nhỉ ? Cả chục năm cung phụng sa hoàng, tối ngày chỉ biết no say với ba cân bánh mì. Còn bây giờ tha hồ tự do lại chết đói. Ới lão tà, mi thực quá đáng !". Bỗng không rõ ở đâu, quỷ sứ đứng trước mặt anh lính và bảo :

- Này tên lính, ta thán nỗi gì thế ?

- Đã ba ngày ốm đói thì hỏi không than vãn sao đang ?

- Chớ sầu lo, để ta sửa lỗi ! - Quỷ bèn chạy đi rồi chạy lại, đem rượu và lương thực cho anh lính dùng, rồi dụ anh theo y - Ở trong nhà ta thì ngươi tha hồ sung túc. Cứ ăn uống và vận động thỏa chí, nhưng nhớ săn sóc các con gái ta, ta chỉ yêu cầu ngươi thế thôi - Anh lính ưng thuận, thế là quỷ tóm tay anh và nhấc bổng lên thinh không, đưa tới một đất lạ gọi là Xứ Xa Xôi, nơi có những phòng lát đá trắng.

Lão quỷ có ba đứa con gái dung mạo đều tuyệt trần. Y dặn các con cung phụng anh lính ăn uống thỏa mãn, rồi bay đi tiếp tục gieo tai ương ; ừ, hung thần mà lại. Lão không bao giờ ở yên một chỗ mà đi khắp thế gian rình mò khiến người ta bất an mà phạm tội.


Thế là còn lại anh lính với các tiên nữ váy đỏ, được hưởng cuộc đời xa hoa tới mức quên chết. Duy có điều khiến anh áy náy : Cứ hằng đêm các thiếu nữ đều ra ngoài rồi mất hút đâu không rõ. Anh lính bắt đầu thắc mắc, nhưng các cô làm thinh. "Thôi được !" - Anh tự nhủ - "Đã thế ta lại canh đêm, để xem các người đi đâu".

Và tối đó, anh lính lên giường nằm, nhưng vờ ngủ say, trong tâm khảm nôn nao đợi cái gì sắp xảy ra.

Đồng hồ lặng lẽ trôi, anh lính rón chân bước sang buồng ngủ các thiếu nữ, nhưng dừng ở ngưỡng cửa cúi xuống ghé mắt vào ổ khóa. Chị em váy đỏ soạn ra một tấm thảm thần, trải xuống sàn rồi đạp lên, tức thì hóa bồ câu phi vút qua cửa sổ.

"Kì diệu thay !" - Anh lính nhủ thầm - "Phải thử mới được !". Đoạn, anh chạy vào, cũng làm như thế và hóa làm họa mi đuổi theo họ.


Bầy bồ câu sà xuống thảo địa xanh tươi, còn họa mi nấp ở bụi mận gai đặng quan sát. Bồ câu đi chậm rãi vào rặng cây um tùm, chỗ đấy để sẵn một cái kim ngai.

Chốc sau, đất giời bừng sáng, có cỗ xe cũng bằng vàng bay trên từng không, do sáu con rồng lửa kéo. Ngự trên xe là công chúa Yelena Thông Thái, nhan sắc nàng kiều diễm tới nỗi không bút nào tả xiết. Chỉ biết rằng, nàng bước xuống xe và ngồi vào ngai, rồi gọi từng bồ câu đến bên đặng dạy những phép khôn ngoan khác lạ. Xong đâu đấy, nàng lại lên xe bay đi.


Còn đàn bồ câu cũng rời thảo địa bay các hướng khác nhau, và họa mi lén theo ba chị em bay về buồng ngủ. Bầy bồ câu đỗ xuống thảm hiện nguyên hình thiếu nữ váy đỏ, còn họa mi trở lại làm anh lính.

- Anh ở đâu ra thế ? - Các thiếu nữ hỏi dồn.

- Thưa, tôi vừa theo các cô ra đồng, được chiêm ngưỡng một công chúa kiêu sa cực kì trên ngôi báu, lại nghe công chúa dạy các cô nhiều bí quyết.

- Hừ, anh sống được là may lắm đấy ! Bởi đức công chúa Yelena Thông Thái quyền phép vô biên. Lỡ như ngài mang quyển sách ma thuật theo thì anh bị phát giác ngay, tới lúc đó không tránh khỏi cái chết thương tâm. Hãy coi chừng, anh lính ạ ! Chớ ra đồng nữa, và cũng đừng thóc mách thêm về đức Yelena Thông Thái, kẻo bay mất cái đầu càn quấy đấy.

Dù vậy anh lính không nản lòng, chóng bỏ ngoài tai cái lời răn đó, bèn đợi đêm sau lại đạp thảm biến ra chim họa mi. Họa mi lại bay ra đồng nấp trong bụi mận gai, đặng chiêm ngưỡng Yelena Thông Thái và thầm ái mộ mĩ dung cao khiết của nàng, nhủ rằng : "Giá mà được người vợ như thế thì thực đời không mong gì hơn. Đã vậy phải bám theo xem nàng hiện sống ở đâu".

Lúc Yelena Thông Thái rời ngai lên xe đặng dong về ngự cung huyền diệu, họa mi bèn lén bay theo. Khi công chúa nhập cung, các nhũ mẫu và nô tì chạy ra đón, đỡ tay nàng dìu vào buồng hoa. Thế là họa mi bay ra thượng uyển, chọn một cây xinh nhất ngay dưới cửa sổ buồng ngủ của công chúa, cứ đậu trên cành hót véo von. Những âm giai da diết tới nỗi công chúa suốt đêm không sao chợp mắt được, bởi nàng rất muốn nghe.

Ngay khi giời hồng thức giấc, Yelena Thông Thái đã gọi to :

- Bớ nhũ mẫu nô tì, mau ra vườn bắt cho ta con họa mi !


Thế là bọn nhũ mẫu và nô tì túa ra vườn, đua nhau đuổi bắt họa mi. Đúng là, đàn bà có khác !

Họa mi cứ truyền hết bụi này sang bụi nọ, chỉ quanh quất ở đấy, ấy thế không ai tóm được.

Phần công chúa vì sốt ruột quá cũng lao ra bắt họa mi. Lúc nàng ra đến bụi cây, chim bèn đứng yên trên cành, khép cánh, như thể đang đợi. Công chúa cả mừng, liền với tay đỡ lấy chim, đem vào cung nhốt trong lồng vàng và treo trong buồng ngủ.

Khi ngày tàn, vầng dương cũng lặn, Yelena Thông Thái lại bay ra đồng xanh và quay về. Nàng từ từ cởi mũ, trút xiêm y rồi lên giường nghỉ. Họa mi ngắm thân thể ngà ngọc của nàng, ngưỡng mộ tới mức sững sờ trước vẻ đẹp cao khiết ấy. Nên ngay khi công chúa say giấc nồng, họa mi bèn hóa con ruồi, bay khỏi lồng vàng, ngã xuống sàn để trở lại làm người tráng đinh. Anh lặng lẽ lại giường ngắm mĩ nhân cho tỏ, không nén được lòng bèn chạm môi mình vào môi nàng. Thế là công chúa bừng giấc, nhưng nhanh như cắt anh hóa lại làm ruồi.

Yelena Thông Thái mở mắt, đảo khắp xung quanh nhưng không thấy ai cả. "Chắc chỉ là chiêm bao thôi !" - Nàng tự nhủ, rồi trở mình và chóng thiếp đi. Còn anh lính thì sốt sắng lắm, đã thử đến ba lần, mà lần nào công chúa cũng thiếp đi rồi sực tỉnh vì nụ hôn.


Nhưng lần thứ ba, công chúa ra khỏi giường và nói : "Có sự gì lạ thường lắm, ta phải nhờ quyển sách ma thuật mới được". Thế là nàng giở sách ma thuật ra và lập tức phát hiện rằng con họa mi trong lồng vàng không phải chim bình thường, mà là một binh sĩ trẻ.

- A, đồ đê tiện ! - Yelena Thông Thái quát lớn - Hãy ra khỏi lồng ! Vì trò giảo trá này, ngươi phải trả giá bằng cả tính mạng.

Thế là họa mi phi ra khỏi lồng, rớt xuống sàn và hiện nguyên hình người tráng đinh. Anh lính quỳ mọp dưới chân công chúa và cầu xin nàng sá miễn.

"Tên bỉ lậu, tội ngươi không đáng khoan thứ !" - Yelena Thông Thái đáp trả rồi thét đao phủ đem anh lính đi xử trảm.

Bỗng từ đâu xuất hiện một cự nhân lực lưỡng đem theo cây rìu và một cái thớt. Đoạn, gã vật anh lính xuống đất, ấn cái đầu càn quấy vào thớt rồi giơ rìu. Vậy là chỉ chờ công chúa vẫy khăn thì cho cái đầu táo tợn lăn lông lốc !

"Xin thương xót, hỡi công chúa yêu kiều !" - Anh lính nói trong nước mắt - "Hãy cho tôi ca lần chót !".

Và anh lính bắt đầu ngâm một bài bi ai, sầu thảm tới nỗi Yelena Thông Thái cũng bật khóc. Nàng đổi lòng thương cho số phận người trượng phu, bèn bảo anh rằng :

- Ta kì hạn cho anh trong vòng mười tiếng phải trốn cho kĩ đừng để ta bắt gặp. Nếu anh thắng, ta sẽ cưới anh ; còn như anh làm không xong, thời ta hạ lệnh xử trảm anh đấy.

Anh lính bèn rời cấm cung, lang thang vào rừng rậm. Bất giác, anh ngồi thụp dưới bụi cây, nghĩ vẩn vơ thế nào lại gọi : "Bới lão tà, chỉ vì mi mà ta ra nỗi này !". Ngay lúc đó, quỷ sứ lại hiện trước mặt anh :

- Này tên lính, còn mưu cầu gì nữa ?

- Hầy ! - Anh lính than - Ta chết tới nơi rồi ! Biết trốn đâu khỏi Yelena Thông Thái ?


Hung thần bèn giậm chân xuống nền đất ẩm và hóa thành con chim ưng lông xám.

- Tên lính này, cứ leo lên lưng ta ! Để ta đưa ngươi lên giời.

Anh lính bèn lên lưng hắn mà ngồi. Chim ưng phi vút lên cao, lẫn vào hàng hàng lớp lớp mây mù.

Đã năm tiếng trôi qua. Yelena Thông Thái giở quyển sách ma thuật ra, thấy hết sự tình như thể nắm trong lòng bàn tay. Nàng bèn thét to :

- Hỡi chim ưng, ngươi có lượn khắp trời cũng không thoát nổi ta đâu !

Thế là chim ưng sà xuống đất. Anh lính hoang mang vô cùng :

- Biết xoay xỏa thế nào ? Trốn ở đâu cho được ?

- Hẵng khoan - Lão quỷ điềm tĩnh - Còn cách mà.

Bỗng quỷ lại gần vả anh lính một cái, biến anh thành cây kim, còn y lại hóa con chuột. Chuột ngậm chặt kim trong răng, lẻn vào cung tìm cuốn sách ma thuật, bèn gài vào đó.


Năm tiếng nữa trôi qua. Yelena Thông Thái lại giở sách ra xem, nhưng tìm mãi mà không thấy gì. Công chúa nổi thịnh nộ liệng luôn sách vào lò đang cháy. Thế là kim rơi khỏi sách, rớt xuống sàn và hiện nguyên hình anh lính. Yelena Thông Thái mới nắm lấy tay anh.

- Tôi thật giảo trá - Anh lính nói - Vậy là đôi ta đều giảo trá !

Thế là họ không chần chừ nữa, bèn kết hôn và sống hạnh phúc bên nhau trọn đời.



Trước khi sao chép, bạn phải xin phép dịch giả !
Mong bạn hãy tôn trọng để được sự tôn trọng !
 

Cynir

Vania 3N
Модератор
Сотрудник
NGỌN NÚI PHA-LÊ
Хрустальная гора



Ở xứ sở nọ, hay là miền đất kia, có vị sa hoàng sinh được ba con trai. Một hôm, họ tâu rằng :

- Tâu phụ hoàng, xin hãy chúc phước cho anh em chúng con đi săn !

Sa hoàng bèn chuẩn y, thế là họ ruổi ngựa theo ba hướng khác nhau. Riêng hoàng tử út đi được quãng thì lạc lối trong rừng thưa, chàng chợt thấy phía đồng cỏ đầy dẫy chim, thú và bò sát chầu hẫu bên xác một con ngựa già. Bỗng một con chim ưng phi vút tới chỗ hoàng tử, đậu trên vai mà nói :

- Hoàng tử Ivan, xẻ thịt hộ chúng tôi với ! Chứ con ngựa nằm đây đã 33 năm mà chúng tôi còn tranh cãi, chưa biết chia sao cho thỏa.

Chàng bèn xuống ngựa và bắt đầu phân giải : Xương cho thú, thịt cho chim và da cho bò sát, riêng cái đầu để cho kiến.

- Tạ ơn hoàng tử Ivan ! Vì nghĩa cử này, từ nay chàng có thể hóa chim ưng hoặc kiến lúc nào tùy thích.

Hoàng tử Ivan liền thử dậm chân, quả nhiên biến ra chim ưng lông bạc và bay thẳng tới rặng núi Pha Lê. Chàng sà xuống nội điện, hiện nguyên hình và bảo thị vệ :

- Liệu đức vua nhận tôi làm người hầu chăng ?

- Nhà anh tuấn tú thế này, lẽ nào không nhận ?

Vậy là chàng vào hầu vua. Thấm thoát được một tuần, hai tuần, rồi ba tuần. Một hôm, công chúa tâu :

- Thưa phụ vương, con mạn phép cùng chàng Ivan đi chơi núi Pha Lê.

Đoạn, đức vua cho, thế là họ thắng ngựa ra đi. Lúc sắp tới núi Pha Lê, thốt nhiên có con dê lông vàng nhảy bổ ra. Hoàng tử Ivan liền phi nước đại đuổi theo con vật, nhưng càng đuổi càng mất dấu, đành lững thững quay lại. Nhưng về tới nơi, chàng phát hiện công chúa đâu mất, mới phân vân không biết bẩm thế nào với quốc vương.

Thế rồi hoàng tử Ivan cải trang làm phụ lão để không ai nhận ra, đi thẳng về cung bẩm đức vua :

- Tâu bệ hạ, xin cho kẻ hèn này làm mục súc !

- Được, ngươi cứ chăn đàn gia súc của ta. Nhưng nhớ, hễ rồng ba đầu tới thì cúng ba con bò, nếu là sáu đầu thì nộp sáu con, còn như mười hai đầu thì cho mười hai con.

Hoàng tử Ivan xua bò lên núi, cứ men theo thung lũng, bỗng rồng ba đầu dưới hồ trồi lên :

- Ấy, hoàng tử Ivan đến nỗi này ru ? Nhan sắc và khí phách đâu rồi, sao lại đi chăn bò ? Thôi thì, nộp cho ta ba con !

- Mi không sợ phát phì ư ? Ta đây mỗi ngày gặm một vịt quay, còn ngữ mi những ba bò. Vậy ta không cho con nào hết !

Rồng nổi xung, nên thay vì ba bò nó quắp sáu con. Hoàng tử Ivan liền hóa ra thần ưng, mổ đứt ba đầu rồng rồi lùa đàn về nguyên vẹn. Bấy giờ vua hỏi :

- Sao hả cụ già, rồng ba đầu tới chưa, đã nộp ba bò chưa ?

- Dám bẩm, nó tới nhưng không bắt được con nào cả.

Hôm sau hoàng tử Ivan lại lùa bò lên núi gặm cỏ. Lần này, rồng sáu đầu dưới hồ trồi lên và đòi nộp sáu bò.

- Chà, ngữ rắn nước háu đói ! Ta đây mỗi ngày xơi có một vịt, mà mày đòi lắm thế ? Thôi, đừng hòng ta cho con nào !

Thế là hoàng tử lại hóa thần ưng phạt đứt sáu đầu rồng. Lúc chàng lùa bò về, vua lại hỏi :

- Thế nào cụ, rồng sáu đầu tới chưa, đàn mất mấy con rồi ?

- Thưa, nó có tới, nhưng chẳng lấy được chi cả.

Khuya hôm đó, hoàng tử Ivan hóa thành kiến đen, luồn qua khe nứt vào lòng núi Pha Lê. Chàng thấy công chúa đang ngồi khóc trong đó.

- Công chúa ơi, sao nàng vào đây được ?

- Thiếp bị rồng mười hai đầu bắt đấy, nó vốn ngụ dưới đáy hồ của phụ vương. Bụng nó có một cái rương, trong rương có con thỏ, trong con thỏ có con vịt, trong con vịt thì có quả trứng, trong trứng lại có hột giống. Chàng phải giết nó lấy hột giống thì mới phá được núi Pha Lê và cứu thiếp ra.

Hoàng tử Ivan bèn bò ra ngoài, cải dạng lão mục súc như cũ. Bấy giờ rồng mười hai đầu bay lên :

- Ấy, hoàng tử Ivan ! Bỏ tuổi xuân và nghiệp kiếm cung đi chăn bò ư ? Này thôi, khá dâng ta mười hai con !

- Ngữ phì nộn ! Ngày ta ăn có một vịt quay, mà mi đòi lắm thế ?

Thế là hai bên lao vào quần nhau chí tử, tới mức quên cả thì gian. Rốt cuộc, hoàng tử Ivan hạ được rồng, rạch bụng nó và thấy chiếc rương bên ngực phải. Chàng bèn mở rương bắt con thỏ, xẻ con thỏ lấy con vịt, mổ con vịt lấy quả trứng rồi đập trứng lấy hột giống. Chàng đem hột giống đốt trên núi Pha Lê, chẳng mấy chốc mà núi tan.

Hoàng tử Ivan rước công chúa về yết kiến đức vua. Ngài hân hoan bảo chàng rằng :

- Ta phong hiền khanh làm phò mã !

Lập tức, hôn lễ được cử hành trọng thể. Hôm ấy tôi cũng tới dự, tha hồ thưởng mật ong và bia, nhưng rậm râu quá nên không sao vào miệng được.

Trước khi sao chép, bạn phải xin phép dịch giả !
Mong bạn hãy tôn trọng để được sự tôn trọng !
 

Cynir

Vania 3N
Модератор
Сотрудник
BONG-BÓNG, CỌNG RƠM VÀ CHIẾC HÀI
Пузырь, соломинка и лапоть



Ngày xưa có ba bạn thân là bong bóng, cọng rơm và chiếc hài.
Жили-были пузырь, соломинка и лапоть.

Một hôm, chúng rủ nhau vào rừng đốn củi. Đến một con sông, chúng không biết làm thế nào để qua.
Пошли они в лес дрова рубить. Дошли до реки и не знают, как перейти через реку.

Chiếc hài bèn bảo bong bóng :
Лапоть говорит пузырю :

- Này bong bóng, cậu cho chúng tớ ngồi lên cậu để bơi qua sông chứ ?
- Пузырь, давай на тебе переплывем !

Nhưng bong bóng tinh ranh nói :

- Không, hài ạ ! Để cọng rơm giăng từ bờ này sang bờ kia, còn chúng mình đi trên nó thì hơn.
- Нет, лапоть ! Пусть лучше соломинка перетянется с берега на берег, мы по ней перейдем.

Thế là cọng rơm căng ra. Khi chiếc hài đang qua sông thì cọng rơm đứt bục. Hài ngã tòm xuống nước.
Соломинка перетянулась с берега на берег. Лапоть пошел по соломинке, она и переломилась. Лапоть упал в воду.

Thấy thế bong bóng cười ha hả, nó cười to đến mức vỡ tan tành.
А пузырь хохотал, хохотал, да и лопнул.
 
Top