Nước Nga Trong Tôi 2015

vinhtq

Quản lý chung
Помощник
@vinhtq xem lại vấn đề kỹ thuật!, ấn 5 sao nhưng không được, hệ thống ủng hộ không làm việc!!!! Bài viết thật tâm huyết , thể hiện một tấm lòng với cái nhìn thật sâu.tớ thích sự thẳng thắn!!!
Cháu cảm ơn chú, cháu đã sửa và thêm bình chọn củachú 5 sao rồi ạ :)
 

Ngọc Trần

Thành viên thân thiết
Наш Друг
06 - Tuyết

Bài thi cuộc thi viết "Nước Nga trong tôi" số 06:
Mời bạn xem tất cả bài dự thi tại đây.
Tên tác giả: Nguyễn Anh Nam
Năm sinh: 1981
Nơi sống và học tập: Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông/tp Vladivostok
Để bầu chọn, xin mời bạn nhấn vào các ngôi sao bên trên ứng với số điểm bạn chọn.​

Từ miền nhiệt đới đến với xứ lạnh thì tuyết là một trong những đề tài hấp dẫn để viết, để kể. Tuyết đầu mùa luôn có một sự hấp dẫn đáng kể, ngay cả đối với người bản xứ.


Tuyết
Từ tuyết đầu mùa...
Sáng ngủ dậy, nhìn qua cửa sổ đã thấy những bông tuyết nhỏ xíu bay trong gió. Ngó xuống mặt đất mới thấy tuyết trải một lớp bụi mờ. Cảm giác thật lạ, khó diễn tả. Giống như trẻ thơ lần đầu tiên được mẹ cho đi chơi chợ. Thêm một chút phấn khích khi mình là người đầu tiên trong đoàn có cái vinh dự được biết rằng "hôm nay có tuyết". Không nghĩ rằng mình đã là "người lớn", mở cửa sổ, thò tay ra ngoài để hứng những bông tuyết li ti, để cảm nhận cái lạnh đầy mới lạ, cảm nhận cái lạnh gai gai nơi bàn tay.


Một lớp tuyết nhẹ trải trên mặt đất...

Sau khoảng một giờ đồng hồ, cảnh vật đã thay đổi rõ rệt. Mặt đất không còn lớp bụi bờ lúc trước mà thay vào đó là một lớp bông trắng mịn, trinh nguyên, mềm mại trải dài trên khắp các con phố.


Và khi đã dày thêm

Cất đôi giày thể thao mùa hè để thay bằng đôi giày đông mới sắm, cũng không quên đôi tất lông to sụ để đảm bảo khả năng di chuyển an toàn trên tuyết.
Nói đến giầy đông, những người xứ nóng sẽ không tưởng tượng được một đôi giày cao cổ to ngoại cỡ, bên trong có một lớp lông dầy. Bình thường vẫn đi giày 40 thì giày đông phải cỡ 43 vì nó sẽ còn được bổ sung lót lông, những đôi tất lông dầy (theo lời kể của một người bạn thì kỷ lục của họ là phải mang đến 7 đôi tất mới đủ chống lạnh nếu đứng bán hàng ở chợ).
Cũng xin nói thêm, tất mùa đông là loại tất len hoặc tất lông thú, rất dầy và ấm. Mỗi đôi như vậy đắt gấp 4-5 lần tất bình thường. Đầu mùa đông có thể gặp trên đường, trên quảng trường, công viên những bà cụ già bán tất. Đây chính là những sản phẩm thực sự do họ đan từ len hay lông của những chú cừu trong chuồng nhà mình. Đây thực sự là những món hàng chất lượng, giá cả phải chăng. Đáng tiếc, với kích thước bàn chân của người châu Á thì chỉ có thể ngắm nhìn chứ không mang được. Đành phải ra chợ, ra cửa hàng mà chọn cho mình những đôi tất phù hợp, nhưng không dám chắc có phải là handmade hay traditional không nữa.
Quay trở lại với tuyết đầu mùa.
Đoàn gồm mấy anh em đều ở cái mức trên dưới ba chục tuổi đầu, quá nửa là đã có vợ con, đều nặng gánh với miếng cơm manh áo. Vậy mà được nhìn thấy tuyết, được đắm mình trong hơi lạnh, trong màu trắng trinh nguyên của tuyết, tất cả đều hồ hởi như được trở lại tuổi thơ. Tuyết nhung làm người ta sảng khoái tinh thần. Tuyết bông như làm người ta trong sáng, thánh thiện hơn. Một màu tuyết trắng phủ khắp không gian, vạn vật cũng giúp người ta trút bỏ mọi gánh ưu phiền. Tuyết đầu mùa làm những kẻ già đời trở nên háo hức như trẻ thơ. Tuyết đầu mùa làm những kẻ tha hương vợi đi nỗi nhớ quê hương.

Chẳng ngại giá rét, chả ngại cái địa vị "người lớn" hay bị những ánh mắt ngạc nhiên của người bản xứ, cả bọn kéo nhau ra ngoài trời, đội tuyết để chụp ảnh, để được dẫm chân lên tuyết, cảm nhận cái mát lạnh khi những bông tuyết bay vào mặt. Ý tưởng hay nhất là uống trà đá dưới trời tuyết.

Không thể có món trà đá theo đúng nghĩa vẫn dùng ở quê nhà thì làm theo cách đơn giản hơn: mua cốc trà nóng, vùi một phần cốc vào trong tuyết, đứng ngoài trời để uống trà và... ngắm tuyết rơi. Có vẻ hơi "rồ man tic", nhưng lúc đấy cứ thấy... hay hay. Có người cho rằng được ngắm, cảm nhận và hòa mình vào trong tuyết như vậy rồi thì hành trình tha hương có kết thúc cũng có thể mãn nguyện.

... đến bão tuyết

Lại một buổi sáng thức dậy thấy trời đổ tuyết. Lần này không thấy được sự lãng mạn, sự thơ mộng như lần đầu tiên. Tuyết không nhẹ nhàng, thơ thới mà gầm gừ, báo hiệu những điều bất an.

Biết là không ổn nên trước khi ra đường phải trang bị đến tận răng: mũ, khăn, găng tay, quần áo, giầy, tất... làm sao để hạn chế đến mức thấp nhất sự tiếp xúc trực tiếp của cơ thể với môi trường bên ngoài.
Buổi trưa, tuyết đã dầy và gió thổi tương đối mạnh. Đôi giày đông là loại có đế gai, ma sát khá lớn nhưng đi trên tuyết vẫn cứ trơn trượt. Bước về phía trước mà chân cứ bị đẩy lùi về phía sau. Đi trên tuyết cũng gần giống đi trên gò cát, nhưng trơn, vất vả hơn nhiều.

Dò dẫm, hì hục bước từng bước, chẳng còn hứng thú với tuyết, trong lòng chỉ còn duy nhất câu hỏi "việc quái gì phải đến cái xứ băng giá này cho khổ cái thân gày?". Thi thoảng trượt chân mà may mắn chưa "kiểm tra độ dài của con đường bằng chính chiều cao của thân mình". Xin đừng cười nếu bạn nhìn thấy một người trượt chân ngã trên tuyết, vì sẽ có lúc đến lượt chính bạn hạ cánh. Mùa đông ở xứ tuyết, chuyện sứt đầu, mẻ trán hay gãy tay, gãy chân vì tuyết trơn là bình thường.

Hầu hết các trường đại học đều cho sinh viên nghỉ, để cho cả sinh viên lẫn giáo viên đều có thể về được đến nhà. Ở xưa sở này, tuyết rơi dầy có nghĩa là sẽ tắc đường và nguy cơ tai nạn giao thông tăng vọt. Di chuyển bằng xe ô tô có 2km mà hết 2 tiếng đồng hồ hay việc xe xoay ngang giữa đường là chuyện không có gì lạ.


Nỗi khổ của cánh tài xế

Buổi chiều tối, tuyết ngày càng rơi nhiều, gió ngày càng mạnh. Đến lúc này tuyết không còn gầm gừ mà chuyển sang gầm rú.

Xem thông báo thời tiết thì được biết bão tuyết có thể kéo dài nên cả bọn quyết định phải dự trữ lương thực. Dù gì thì đây cũng là lần đầu tiên trong cảnh bão tuyết nên cứ chuẩn bị cho nó… chắc.
Hai thằng xung phong đi chợ, một phần vì cần có người đi mà phần khác vì tò mò muốn thưởng thức mùi vị của bão tuyết.


Tuyết mù trời
Gió giật đùng đùng, tuyết bay vần vũ mù trời. Toàn bộ không gian chìm trong màu trắng bàng bạc. Đường phố khá vắng, thi thoảng có vài chiếc “vội vã trở về nhà một cách chậm chạm”. Nghe có vẻ nghịch lý nhưng hoàn toàn hợp lý. Nếu không “vội vã”, khi tuyết rơi dầy thêm thì chỉ còn nước bỏ xe mà đi bộ về. Nếu không “chậm chạp” thì đảm bảo họ cũng chả thể về được đến nhà mà rất có thể là về thẳng bệnh viện vì tai nạn giao thông. Tầm nhìn của lái xe bị hạn chế tối đa do bão tuyết. Tuyết rơi thành một lớp dày và trơn gây khó khăn cho việc điều khiển xe. Tất cả xe ô tô ở đây đều đã được thay lốp trước mùa đông để đảm bảo khả năng bám đường, chống trơn trượt. Tuy nhiên, nếu khi đang đi mà tự dưng xe bị quay ngang thì cũng đừng ngạc nhiên nhé.

Đây là clip quay lại cảnh 1 chiếc xe "nhọc nhằn lên dốc" khi tuyết rơi. Nguyên nhân có lẽ do chủ xe chưa kịp thay loại lốp dùng cho mùa đông:
Sau khi vào siêu thị mua được một đống đồ dự trữ, hai thằng tha lôi về nhà. Đây mới là khó khăn.
Gió đã mạnh hẳn. Gió chém những nhát cắt buốt da buốt thịt, gió ném những bông tuyết to tướng vào mồm ngay từ khi mở cửa siêu thị. Trên phố, tuyết đã dày hẳn. Tuyết bị xe ô tô gạt ra khỏi lòng đường và dồn thành đống hai bên vỉa hè. Tuyết ngập lên đến đầu gối. Mỗi bước đi là một thử thách lớn lao. Lúc này, “bước đi” sẽ được hiểu là một loạt hành động lặp đi lặp lại theo từng bước: cắm 1 chân sâu xuống đống tuyết, trụ cho đến khi có cảm giác vững chắc, nhấc chân kia lên, nhanh chóng cắm sâu xuống tuyết. Hành động này có thể lặp theo tốc độ vài phát mỗi phút.

Đồng lõa với tuyết là gió. Thành phố này nằm trọn trên một bán đảo nhỏ với 3 mặt là biển nên gió là món đặc sản. Gió ở đây được dân Việt mình gắn liền với ruồi vàng và bọ chó. Gió thổi bạt mọi thứ. Bên cạnh tuyết thì gió cũng là kẻ khiến cho người đi bộ ngã liểng xiểng. Có những lúc gió khiến khách bộ hành không thể di chuyển mà chỉ có thể đứng nghiêng về phía gió. Đứng nghiêng để gió giúp mình không ngã thôi chứ không thể giúp mình di chuyển khi gió ngược chiều. Nếu lúc này mà dại dột quay mặt về phía gió thì chỉ có thể hít tuyết vào mũi, vào mồm chứ không thể hít không khí mà thở nữa. Miệng, mũi cứng đơ vì lạnh. Có lẽ ít người tin, nhưng thực tế là lạnh đến mức nước mũi, nước dãi chảy ra ngoài cũng không biết. Chỉ đến khi đưa tay lên sờ mới thấy… trơn trơn. Cũng chỉ biết là “trơn trơn” thôi, vì tay cũng cứng đơ, có cảm giác gì đâu?


Sau cơn bão, dọn tuyết là một vấn đề

200m – khoảng cách từ siêu thị về nhà – là một quãng đường kinh hoàng. Cũng may là hai thằng đã mò về được đến nơi sau khoảng… 30 phút. Còn sống là may rồi. Từ nay hết… thích tuyết!

Xem thông tin thời tiết biết được ngày mai tuyết lại rơi. Ở nơi quê nhà vẫn là phương Nam ấm áp. Nhưng thôi, dù ngày mai nắng ấm hay tuyết lạnh, dù có co ro hay mướt mồ hôi thì vẫn phải tiếp tục, người đi học vẫn cứ đi học, người đi làm vẫn cứ đi làm, mọi việc đều không thể thay đổi. Trong cuộc sống, mỗi người đều có công việc của mình và đều phải cố gắng chứ không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh mà bớt đi sự cố gắng ấy!
 

Ngọc Trần

Thành viên thân thiết
Наш Друг
07 - Chợ đêm Ussurisk

Bài thi cuộc thi viết "Nước Nga trong tôi" số 07:
Mời bạn xem tất cả bài dự thi tại đây.

Tên tác giả: Nguyễn Anh Nam

Năm sinh: 1981

Nơi sống và học tập: Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông/tp Vladivostok


Để bầu chọn, xin mời bạn nhấn vào các ngôi sao bên trên ứng với số điểm bạn chọn.
Đến Ussurisk lần đầu vào đầu mùa hè năm 2012 nhưng chỉ là một chuyến đi chớp nhoáng. Người bạn Nga đã giới thiệu sơ qua về thành phố này. Cảm nhận chung khi đến với thành phố gần 150 tuổi này là sự nhỏ bé và yên bình đến đáng yêu. Tuy nhiên, với cộng đồng người Việt nói chung, Ussurisk không phải là điểm đến để du lịch. Với họ, Ussurisk là một điểm mưu sinh vì nơi đây có một khu chợ đầu mối rất lớn – chợ đêm Ussurisk! Chính vì vậy, tôi đã tự hứa sẽ một lần đến thăm chợ đêm Ussurisk!


Chợ đêm Ussurisk
Được thành lập từ năm 1866 với tên gọi “Làng Nhikolskoe” (село Никольское), thành phố Ussurisk hiện tại rộng 3.690km2 với 161,8 ngàn dân (theo số liệu thống kê năm 2012). Ussurisk thuộc vùng Primorye, miền Viễn Đông của Liên bang Nga, cách Vladivostok khoảng 120km về phía Bắc.

Với bà con người Việt, Ussurisk đã trở thành tên gọi quen thuộc. Chỉ cần nói “Usu” là mọi người đã hiểu và cụm từ “đi Usu” đã trở thành một động từ phổ biến để giải thích cho việc đi lấy hàng từ chợ đầu mối. Nó phổ biến đến mức anh bạn Bô-ze người Uzbekistan đã nói “Сегодня я đi Usu” (hôm nay tôi đi Usu).
Theo chân một người bạn đi lấy hàng, tôi đến với Ussurisk vào một buổi tối giữa tháng 10.


Hơn 20h, chúng tôi xuất phát dưới cơn mưa. Anh bạn Bình “móm” cầm lái, cố gắng chạy để kịp đến nơi trước khi chợ mở cửa vào lúc 22h. Tuy nhiên, khi chúng tôi đến nơi vào lúc 21h45 thì bãi đỗ xe ở chợ đã chật kín. Từ ngoài đường lớn vào đến chợ, đủ các loại xe xếp hàng dài để tìm chỗ đỗ cũng như đợi chợ mở cửa. Vào ngày thứ 7 nên lượng người Nga đến đây mua hàng cũng rất đông.




Vào đến khu chợ, có cảm giác quen quen. Có gì đó giống với chợ đêm Đồng Xuân ở nhà. Nhưng cám cảm giác đó nhanh chóng bị át đi bởi cái không khí, cái quang cảnh mang đậm chất Trung Quốc. Ngay cả tên của khu chợ cũng ghi bằng tiếng Trung - 中国绥芬河商贸城. (Về sau có nhờ một cô bạn sinh viên người Việt học tiếng Trung ở đây thì mới biết đây là “Trung tâm thương mại Trung Quốc Suifenhe (Tuy Vân Hà)”. Tuy Vân Hà (người Việt ở đây vẫn gọi là Su-van-khê) là tên một thành phố thuộc tỉnh Hắc Long Giang – Trung Quốc tại vùng biên giới Nga Trung).



Quay sang hỏi anh bạn thì được biết, đây là khu chợ đầu mối mà hàng hóa chủ yếu được đưa từ Trung Quốc sang. Lật đật mở điện thoại ra xem bản đồ thì mới phát hiện mình chỉ cách biên giới Trung Quốc chưa đầy 100km. Hơn nữa, đây lại gần với điểm ngã ba biên giới Nga – Trung – Triều Tiên, chỉ cách khoảng 180km nữa thôi.


Chúng tôi phân công nhau, tôi và anh bạn Bình “móm” đi mua đồ điện tử cho cửa hàng, còn chị vợ của Bình đi mua đồ vải cho cửa hàng của chị.

Luồn lách qua khu sân lõm bõm nước mưa, chúng tôi vào một cửa hàng điện tử. Tiếp chúng tôi là anh chủ cửa hàng người Trung Quốc với giọng lơ lớ khi nói tiếng Nga. Trong cửa hàng, đồ điện tử la liệt. Trên tường, trong tủ, dưới sàn… đâu đâu cũng thấy đồ điện tử. Điểm đáng khâm phục ở người bán hàng là chỉ cần hỏi, họ sẽ trả lời rất nhanh “Có” hay “Không có” và nếu có thì món hàng đó nằm ở đâu trong cái núi đồ điện tử ngồn ngộn, la liệt và lộn xộn như vậy. Còn tôi, thêm một lần nữa khâm phục anh bạn khi có thể nghe và hiểu được tiếng Nga với chất giọng lơ lớ pha trộn tiếng Trung của người bán hàng, thậm chí là cả những thông số kỹ thuật liên quan đến máy móc, linh kiện điện tử.


Người mua hỏi loại hàng, giá cả, nêu số lượng cần lấy, người bán trả lời và ghi vào hóa đơn. Việc mua bán diễn ra rất nhanh. Nhanh vì giữa người bán và người mua chỉ có hỏi, đáp và ghi chép. Sau khi thống nhất nhanh chóng về số lượng, chủng loại, giá bán, anh bạn kéo tôi ra khỏi cửa hàng để đi tìm mua những mặt hàng khác.

Không giấu nổi tò mò, tôi ngạc nhiên hỏi anh bạn về việc chọn lựa, kiểm hàng… thì được giải thích rằng việc mua bán ở đây hoàn toàn dựa trên lòng tin và uy tín. Người bán sẽ chọn hàng theo đúng yêu cầu và đóng vào bao kèm theo hóa đơn. Người mua cứ đi chọn hàng ở các quầy khác, lúc sau chỉ việc quay lại lấy đồ do người bán chuẩn bị sẵn, trả tiền và mang hàng về. Khi về, người mua sẽ kiểm tra, nếu thiếu hoặc sai thì hoàn toàn có thể bổ sung hay đổi lại.

Đến bây giờ thì tôi đã hiểu, tại sao có những người có thể “đi Usu” mua hàng và nợ tiền hàng lên đến cả trăm ngàn rub (tỷ giá khoảng 30rub/1 USD).

Sau khi lòng vòng mấy cửa hàng điện tử, tôi lại lẽo đẽo theo sau vợ của Bình “móm” để xem các mặt hàng khác. Lần này chúng tôi vào 1 cửa hàng bán dép. Đã thống nhất được giá cả, số lượng, anh chàng bán hàng lôi máy tính ra bấm bấm rồi nói một câu làm tôi giật mình: “Ba ngàn bốn trăm tám mươi rúp”. Hoàn toàn bằng tiếng Việt!



Anh chàng Ca-ríc đang "giới thiệu sản phẩm"


Hỏi thăm thì được biết, anh tên là Ca-ric, người Armenia. Anh còn nhiệt tình giúp chúng tôi bê đồ ra tận xe dù chỉ mua của anh có hơn 3000 rub!

Chúng tôi tiếp tục vào một cửa hàng bán áo khoác. Vẫn là hoạt động chọn màu, chọn loại, thống nhất giá cả, số lượng. Đi. Một lúc sau quay lại trả tiền, lấy một túi to và trả tiền mà không cần phải đếm hay kiểm hàng. Vẫn là chữ TÍN trong làm ăn!










Mặc dù đây là chợ đầu mối nhưng không vì thế mà bạn có thể mua hàng rẻ nếu mua lẻ chứ không mua ốp-tâm (mua buôn, mua sỉ - cách phiên âm của bà con người Việt từ “оптом” của tiếng Nga). Bằng chứng là khi chúng tôi mua ốp-tâm đồng hồ, rất nhiều người Nga đến hỏi mua 1 chiếc thì chủ cửa hàng luôn đưa ra cái giá gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần giá bán buôn đã nói với chúng tôi.

Sau khoảng 3 tiếng chạy lòng vòng trong chợ để lấy hàng, anh bạn Bình “móm” dẫn tôi vào một cửa hàng nhỏ bán thịt nướng của người Trung Quốc. Mặc dù không đúng chất Nga lắm, nhưng một đĩa thịt nướng với 2 lát bánh mỳ đen cũng khá hấp dẫn sau mấy tiếng chạy lòng vòng trong chợ, đặc biệt là trong một đêm mưa như thế này.


Chúng tôi rời Ussurisk tầm hơn 1h sáng. Cơn mưa vẫn nặng hạt. Anh bạn tôi chống lại cơn buồn ngủ bằng cách bật nhạc và hát ầm ĩ trong khi điều khiển chiếc xe 7 chỗ chất đầy hàng. Còn tôi ngồi ghế sau với đống hàng hóa dồn ép quanh người cũng cố gắng góp vui vài câu rồi ngủ thiếp đi vì mệt.

Giờ thì đã biết Usu! Giờ thì đã thấm được một phần cái nỗi vất vả của bà con người Việt đang tần tảo bán buôn ở cái xứ Viễn Đông này!
 

Ngọc Trần

Thành viên thân thiết
Наш Друг
08 - Tôi đi làm thợ xây

Bài thi cuộc thi viết "Nước Nga trong tôi" số 08:
Mời bạn xem tất cả bài dự thi tại đây.

Tên tác giả: Nguyễn Anh Nam
Năm sinh: 1981
Nơi sống và học tập: Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông/tp Vladivostok


Để bầu chọn, xin mời bạn nhấn vào các ngôi sao bên trên ứng với số điểm bạn chọn.

Tối hôm trước chuẩn bị sẵn quần áo rét, giày ấm để sẵn sàng cho sáng hôm sau "xách ba lô lên và đi".
Bảy giờ sáng, một ngày cuối tháng 10, trời vẫn tối. Khi những cơn gió rét vẫn ào ào đuổi nhau trên đảo Russky, tôi khoác ba lô, bắt xe buýt vào thành phố. Để đến nơi hẹn với Chiến phải bắt 2 chuyến xe buýt với tổng thời gian đến 1 tiếng rưỡi. Sau khi đón tôi bằng ô tô của mình, trên xe đã có sẵn một nhóm thợ xây, Chiến chạy xe ra ngoài thành phố. Mất 40 phút chạy xe về phía Bắc, chúng tôi đến công trường. Đây là một ngôi làng nhỏ ở ngoại thành. Tại đây, Chiến đã nhận được 2 hợp đồng xây 2 ngôi nhà.
Đến nơi, Chiến phân công 6 bác thợ sang công trình bên cạnh ghép cốt pha để kịp đổ bê tông theo đúng tiến độ. Còn tôi, một người chưa hề có chút kinh nghiệm nào, sẽ ghép mái nhà cùng Chiến để được Chiến trực tiếp "huấn luyện".

Đây là một ngôi nhà 2 tầng, 1 gác xép đã được xây thô. Phần mái nhà được dựng bằng gỗ. Nhiệm vụ của chúng tôi là ghép các tấm lợp onduline (một loại tấm lợp dạng sóng, làm bằng nhựa đường, xenlulose, nhựa và các chất phụ gia khác) lên phần khung gỗ của mái nhà.


Mục tiêu của chúng tôi

Trên độ cao khoảng 6-7m, Chiến hướng dẫn tôi từ cách buộc dây an toàn, bước chân đi như thế nào, tư thế ngồi, các điểm đóng đinh phù hợp... Hóa ra công việc cũng không khó khăn lắm, kẻ mới vào nghề như tôi cũng nhanh chóng thực hiện được.




Phần mái nhà chưa được ghép tấm lợp

Công việc được chúng tôi thực hiện khá nhanh, và cũng có phần đơn điệu: chuyển tấm lợp từ dưới đất lên, ghép vào mái, đóng đinh... Tuy nhiên, cái khó nhất là việc giữ thăng bằng ở trên cao cũng như phải chịu đựng những cơn gió lạnh như cắt da cắt thịt của tiết trời cuối thu. Vận chuyển những tấm onduline với kích thước 2mx1m trên độ cao và sức gió này quả là một việc không hề dễ dàng. Chiến đã dặn tôi: "Nếu gió thổi mạnh quá, anh cứ bỏ tay cho gió thổi tấm lợp đi chứ đừng cố bám theo". Vâng, và tôi cũng đã thực hiện như thế. Nhưng không kịp! May mà lúc đó tôi mới đang đứng trên chồng gạch, giữa tầng 1 và tầng 2 nên vẫn có thể "tiếp đất an toàn".


Phút giải lao của "ông chủ"...


... và "nhân viên"
Người Việt ở đây có câu "Ruồi vàng, bọ chó, gió Vla" để ví von về sự khủng khiếp của những cơn gió ở vùng này. Những cơn gió cuối thu kết hợp với cái lạnh trên dưới 10 độ C thi nhau "quần" chúng tôi, những kẻ làm việc trên mái nhà, hoàn toàn không có gì che chắn. Chẳng bao lâu, cả tôi, cả Chiến đều sụt xịt mũi. Thậm chí, về sau mũi tôi còn chảy nước tong tỏng!

Sau khi chuyển tấm lợp lên mái, Chiến đưa cho tôi 1 vỏ chai cocacola loại 1,5l được khoét ở giữa để đựng đinh mũ và trên cổ chai buộc 1 đoạn dây để đeo ở cổ. Chiến cũng đeo 1 chai như vậy. Sau khi đưa tập lợp về đúng vị trí cần thiết, chúng tôi bắt đầu đóng đinh, ghim tấm lợp vào khung mái.

Đóng đinh trong tiết trời lạnh thì nguy cơ đau đớn nhất là gõ búa vào tay. "Ông thợ cả" tự nện búa vào tay đến mấy lần, trong khi "nhân viên mới" thì không bị phát nào. Phải chăng là làm kém, làm chậm nên gõ phát nào chắc phát ấy chứ không bị trượt tay?

Hai anh em hì hục làm đến 14h30 thì một cậu thợ gọi chúng tôi xuống ăn trưa. Cạnh công trình xây dựng, Chiến đã cho đặt một vỏ container vừa làm chỗ để dụng cụ xây dựng, vừa là chỗ để công nhân có thể ở lại qua đêm nếu cần thiết và cũng là nhà ăn.





Bữa cơm trưa trên công trường

Bữa ăn đơn giản với cơm, trứng rán, thịt gà rang và khoai tây xào (bữa hôm sau thì được đổi món: cơm, bắp cải xào, thịt lợn rang trứng và thịt lợn kho). Tất cả chúng tôi, người ngồi người đứng, ăn cơm bằng bát ô tô. Việc ngồi, đứng có vẻ không quan trọng lắm với các bác công nhân xây dựng. Mà thực ra cũng chẳng có chỗ để mọi người cùng ngồi nữa.

Sau mấy tiếng làm lao động chân tay, sức ăn của tôi đã gây kinh ngạc cho chính tôi: hết veo 2 bát ô tô cơm! Một kỷ lục ăn trưa trong suốt hơn 2 năm tha hương!

Kết thúc bữa cơm mới là lúc tôi thực sự cảm thấy mệt. Hai mắt bắt đầu có dấu hiệu díp lại. Nhưng đâu có ai ngủ trưa đâu? Tất cả lại ra công trường. Hôm nay làm công nhân, phải chấp nhận thôi!


Hoàng hôn trên công trường
Một khó khăn mới nảy sinh ở giai đoạn cuối: khi toàn bộ mái đã được phủ kín bằng các tấm lợp thì không còn chỗ để móc dây bảo hiểm và việc di chuyển trên các tấm lợp khá trơn. Tôi mạnh dạn đề xuất với "ông chủ" một biện pháp: Hai người buộc dây vào nhau rồi mỗi người ở một bên mái và ra điều kiện "Nếu chú thấy anh trượt chân thì chú phải ngay lập tức nhảy về phía mái bên kia. Đừng suy nghĩ về việc có chết hay không vì chỉ còn cách đó thì anh và chú mới có cơ hội. Nếu không là anh kéo cả chú xuống theo thì cả hai thằng đều chết".




Những tình huống khó khăn

Sau hai ngày hì hục ghép ghép, đóng đóng, anh em chúng tôi đã hoàn thành công việc. Có thể do "thợ mới" nên tiến độ công việc không được cao nhưng nhìn kết quả công việc có bàn tay của mình làm nên, lòng bỗng thấy vui vui...




Thành quả của chúng tôi!
Sau hai ngày "trải nghiệm", tác giả mới chỉ dừng lại ở việc lợp mái nhà, chưa đủ dữ liệu để truyền tải đầy đủ về chủ đề xây dựng. Được sự đồng ý của "ông chủ", sắp tới, tác giả sẽ tiếp tục phần hai, đi sâu hơn về vấn đề xây và một chút về đời sống của những người công nhân xây dựng.
 

Ngọc Trần

Thành viên thân thiết
Наш Друг
09 - Đi tầu lên Khabarovsk
Bài thi cuộc thi viết "Nước Nga trong tôi" số 09:
Mời bạn xem tất cả bài dự thi tại đây.

Tên tác giả: Nguyễn Anh Nam
Năm sinh: 1981
Nơi sống và học tập: Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông/tp Vladivostok

Để bầu chọn, xin mời bạn nhấn vào các ngôi sao bên trên ứng với số điểm bạn chọn.

Ở Viễn Đông, ngoài Vladivostok thì Khabarovsk cũng là một thành phố tương đối lớn. Khabarovsk vốn là thủ phủ của Viễn Đông nhưng từ khi Vladivostok mở cửa thì Khabarovsk chỉ còn giữ vị trí thủ phủ về hành chính. Tuy vậy, số lượng người Việt tại Khabarovsk cũng không hề kém ở Vladivostok.
Đầu Xuân là dịp thuận lợi để đi lại, nhân tiện có chút động cơ công việc nên "xách ba lô lên và đi"!

Cách Vladivostok khoảng gần 1.000km đường bộ, để đi Khabarovsk có thể đi bằng máy bay, ô tô hoặc đi tầu. Qua tham khảo ý kiến những người có kinh nghiệm thì đi tầu là thuận lợi hơn ô tô, mà lại rẻ hơn máy bay.

Nghe nói có chuyến khởi hành từ Vladivostok lúc gần 22h, ngủ một giấc trên tàu, sáng ra là đến nơi. Lại còn có thể ung dung dạy xong giờ học rồi ra ga mua vé, chả phải vội vàng.

Lên tutu.ru tìm kiếm chuyến này mà không thấy đâu. Hỏi mãi mới biết đây là chuyến chạy xuyên biên giới Nga sang tận Kharkov (Ukraina) nhưng do tình hình Nga Ucraina căng thẳng sau khi Nga đưa thêm quân vào Crưm nên tạm dừng chuyến Vladivostok - Kharkov.

Ôi giời, hoá ra tình hình chính trị thế giới cũng làm ảnh hưởng đến mình!
Cũng may còn một chuyến khác, sớm hơn, nhưng vẫn kịp.

Được một em sinh viên người Việt đang học trong trường tư vấn rất tận tình. Thậm chí em còn đưa ra ga mua vé, đưa lên tận chỗ ngồi, mua cho mỳ tôm, nước, giò... Có cảm giác như mình hoàn toàn là người nước ngoài, còn em là người Nga vậy. Cũng dễ hiểu, vì em này sinh ra và lớn lên ở Khabarovsk, gia đình vẫn ở Khabarovsk, nhưng đang học năm cuối ở Vladivostok, em đi lại nhiều nên nắm rõ các thủ thuật để có một chuyến hành trình an toàn và thuận lợi.

Chỉ đơn giản là vào ga mua vé thôi mà ngay ở cửa ga hành khác đã phải kiểm tra an ninh. Máy quét, máy soi hành lý và các công đoạn cũng giống như ở các sân bay. Không biết do người Nga muốn đảm bảo an ninh hay ở đây mất an ninh mà người ta buộc phải làm như vậy nữa.


Đầu máy tại sân ga đường sắt Vladivostok

Mua vé thì phải xếp hàng, đó là chuyện thường ngày ở đây. Nhưng mua vé thì phải có hộ chiếu. Mỗi hành khách trình hộ chiếu của mình, nhân viên bán vé sẽ nhập thông tin hành khách vào máy và in vé. Khi lên tầu, nhân viên soát vé sẽ kiểm tra hộ chiếu và thông tin trên vé. Trùng khớp là ok, mời bác lên!
Mình chọn mua được vé tầu Vladivostok - Penza. Bến cuối là một thành phố gần Moscow. Như vậy là toàn bộ hành trình của tầu sẽ là 8.774km, trải dài từ Đông sang Tây nước Nga, chênh lệch nhau đến 7 múi giờ đi mất hơn 6 ngày đêm. Còn hành trình của mình thì ngắn hơn, 776km, chỉ khoảng 12,5 tiếng, đi qua 13 ga. Mình tò mò hỏi cô em sinh viên "với hành trình lâu như vậy, trên tầu có chỗ tắm rửa không?". Cô ấy cười, bảo "chắc là không, nhìn tóc mấy chị soát vé bết thế kia cơ mà".


Một ngôi làng nhỏ bên đường

Do đành trình của tầu trải qua nhiều múi giờ khác nhau nên giơ tầu trên website, trên vé hay các bảng thông báo đều được thống nhất theo giờ Moscow (GMT+4). Ai ở địa phương nào thì cứ căn cứ vào giờ Moscow mà tính, cộng trừ trừ theo múi giờ sẽ biết mấy giờ thì tầu đến, tầu đi. Cách tính giờ này mà không biết múi giờ địa phương thì khá mệt cho hành khách!

Cái ấn tượng ban đầu khi bước chân lên tầu là mùi ẩm mốc. Có lẽ các toa tầu chỉ được mở khi dừng ở ga, còn lại là phải đóng kín để giữ nhiệt. Do tàu chạy cả mùa đông và băng qua các vùng đất khác nhau suốt từ miền Viễn Đông rồi ngược lên phía Bắc, vòng sang phía Tây của Nga nên hệ thống sưởi được trang bị đầy đủ. Lên tầu là có thể bỏ áo khoác ra rồi. Ngồi lâu lâu lại không thấy mùi hôi nữa, có lẽ quen mùi.
Không hiểu do hôm nay có phải cuối tuần hay đây mới chỉ là những ga đầu mà tầu không đông lắm. Mỗi toa có 40 giường, chia làm 2 tầng. Về cơ bản thì không khác với của Việt Nam ta. Hai đầu toa đều có nhà vệ sinh, có nơi bán trà, cà phê và có chỗ lấy nước sôi miễn phí (giờ mới hiểu tại sao cô em lại mua cho mình hộp mỳ tôm). Đặc biệt, mới mấy ông nghiện ngập thì việc trên mỗi toa đều có khu vực hút thuốc là điều tuyệt vời.


Giường không có khách

40 cái giường trong mỗi toa lại được chia thành các ô nhỏ, môi ô 5 giường. Nhờ cô em khéo chọn nên giường của mình hơi tách ra và không có ai "trèo lên đầu" mình cả. Còn có cái hay nữa là giường của mình lại gồm 3 phần, phần giữa có thể nâng lên thành 1 bàn nhỏ, hai ben thành ghế ngồi, rất tiện cho ngồi viết.


Bàn - giường

Khi lên tầu, nhân viên trên tầu lại một lần nữa kiểm tra vé. Hoàn tất việc kiểm tra, họ phát cho mỗi người một túi đựng ga, vỏ chăn, vỏ gối. Với đệm, chăn sẵn có, hành khách chỉ việc lồng vỏ, trải ga là có thể tận hưởng một giấc ngủ ngon lành khi đoàn tầu đang băng băng lao về Moscow.



Khi đã được trang bị "chăn ấm, đệm êm"
Nói chung, vì là tầu thường, mình mua vé hạng thường nên chất lượng tầu không cao. Nhìn tổng quan trong toa thì thấy cũ cũ, xấu xấu. Mỗi ngày vẫn có một chuyến tầu "chất lượng cao", sạch, đẹp, lịch sự và nhanh hơn nhưng đi kèm với nó là giá cũng cao hơn nên trành chấp nhận đi tầu thường. Tầu này cũng giống Việt Nam thôi mà!

Đoàn tầu có một toa riêng, trưng biển restaurant. Đây là nơi phục vụ ăn uống trên tầu. Nhưng cô em đã cảnh báo "đồ ăn đắt lắm, một đĩa khoai Tây chiên đã 200rub rồi" nên ông anh tránh luôn. Nghèo không chơi sang!

Tầu chạy nhanh, tốc độ trung bình tầm 70km/h. Không rõ vì là tàu điện hay do toa kín mà tàu chạy khá êm, không ầm ĩ, ngồi trong toa không thấy tu tu xình xịch đi đầu nhức óc như tầu hỏa ở Việt Nam mình.
Hệ thống sưởi trong toa khá tốt. Bỏ áo khoác rồi nhưng vẫn thấy nóng. Ngó ra xung quanh mới thấy dân Nga đã thay đồ từ bao giờ. Có người mặc quần áo mỏng, có người mặc quần áo ở nhà, lại có người quần đùi áo phông. Đa số họ đã chuẩn bị sẵn dép để sử dụng trên tầu.


Kiểm tra vị trí, tốc độ tàu bằng phần mềm bản đồ + GPS trên điện thoại

Rời Vladivostok lúc hơn 19h nên đi được ra khỏi thành phố thì trời đã tối, chả còn ngắm nghía gì phong cảnh bên ngoài được nữa. Lôi iPad ra viết "đi tầu lên Khabarovsk".

Đang ngồi kì cạch gõ thì có mấy chị người Trung Quốc lên tầu. Hàng họ la liệt, chắc là dân buôn. Ầm ĩ mãi mà các chị không xếp xong hành lý vào ngăn tủ dưới giường, các chị làm mình mất tập trung nên bấm nhầm nút "Hoàn tác". Vậy là cả một đoạn văn bản dài bay theo gió.
Bực mình, mang hộp mỳ tôm đi lấy nước về ăn. Tí gõ tiếp!


Tầm 23h, mọi người bắt đầu đi ngủ. Khá yên tĩnh nên mình có thể ngủ được 1 giấc nhỏ. Nhưng đến tầm 2h sáng thì không ngủ được nữa. Một phần vì trong khoang nóng quá, một phần vì có mấy bác… gáy ầm ĩ.
Hầu hết tuyến đường sắt từ Vladivostok đến Khabarovsk chạy qua các khu rừng, thi thoảng mới chạy qua những khu dân cư thưa thớt. Chỉ khi nào đến gần một nhà ga nào đó mới thấy điện thoại có sóng, còn lại là mất tích, không phân biệt 3G hay 2G nữa!

Mất ngủ nên thi thoảng lại dậy mặc áo khoác rồi ra khu hút thuốc. Mỗi lần ra lại cảm nhận được thời tiết đang lạnh dần. Mỗi lần ra lại thấy băng đóng dầy hơn trên những cánh cửa và dưới sàn. Vừa là đi từ Nam lên Bắc, vừa là chuyển dần từ chiều tối sang đêm nên nhiệt độ càng đi xuống. Theo cảm giác thì nhiệt độ chênh lệch giữa trong toa xe và ngoài khu hút thuốc phải gần 30 độ C.

Cứ thế, nằm nghe tàu chạy chán lại ra hút thuốc, không ngủ được tí nào đến tận khi tàu đã vào ga Khabarovsk. Vậy là đến nơi! Chuyến hành trình mất vừa tròn 12,5 tiếng!


Ga đường sắt Khabarovsk

Khabarovsk chào đón du khách bằng cái lạnh -18oC và một chút huyên náo của buổi sáng trên sân ga!
 

Ngọc Trần

Thành viên thân thiết
Наш Друг
10 - Đồng hương

Bài thi cuộc thi viết "Nước Nga trong tôi" số 10:
Mời bạn xem tất cả bài dự thi tại đây.
Tên tác giả: Nguyễn Anh Nam
Năm sinh: 1981
Nơi sống và học tập: Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông/tp Vladivostok


Để bầu chọn, xin mời bạn nhấn vào các ngôi sao bên trên ứng với số điểm bạn chọn.
Trên chuyến tàu xuyên Viễn Đông
Bỗng vô tình gặp một người Việt.
Chẳng kịp hỏi tên,
Không kịp biết quê quán.
Chỉ kịp nhận ra anh là người cùng Tổ quốc.
Trong một phút, vừa gặp, vừa chia tay.
Anh xuống một ga xép, giữa trời đông tuyết đổ.
Trên toa tàu ấm áp,
Tôi ngó theo người bạn Việt Nam,
Dáng nhỏ nhoi,
Cố băng mình qua cánh đồng tuyết trắng.
Anh là ai mà lặn lội nơi xứ người?
Một công nhân xây dựng, bán sức lấy tiền,
Vì hơn những vụ lúa, vụ khoai?
Hay một tiểu thương,
Bước đi từ vùng quê chân chất,
Đội tuyết bán hàng giữa trời, nơi đất khách?
Tôi với anh vốn những người xa lạ,
Giữa xứ người bỗng hóa thân thương.
Ngóng theo anh đang lặn lội trên đường,
Chỉ biết thầm gọi - "Đồng hương".
 

ZuZu

Thành viên thường
12 - Tháng củ mật

Bài tham dự cuộc thi viết "Nước Nga trong tôi" số 12:
Mời bạn xem tất cả bài dự thi tại đây.

Tên tác giả: Nguyễn Trọng Du
Năm sinh: 1992
Nơi sống và học tập: Thành phố Volgograd – LB Nga
Để bầu chọn, xin mời bạn nhấn vào các ngôi sao bên trên ứng với số điểm bạn chọn.​

Bình minh lại tới. Bải hoải. Không phải là một màu da cam hồng ửng ở đường chân trời nhuộm đỏ lá những hàng cây mà là thứ ánh sáng nhàn nhạt những ngày đầu đông trên đất Nga xa xôi, heo hắt. Khoác chiếc áo xuống đường xanh hai hàng những ngọn thông vội vàng đón Tết, cái rét thấm tê người. Từ Ký túc xá lên ga trung tâm cũng không xa lắm, chừng 15 phút đi xe. Ở đó vào dịp này hàng năm đều tổ chức bắn pháo hoa và sinh viên lại ríu rít rủ rê hẹn hò nhau lên tập trung vào tối giao thừa. Nhưng năm nay thì chẳng có gì hết, thành phố đang treo tang. Những ngày cuối năm bom nổ đì đùng, khi thì giữa nhà ga trung tâm ngay trước lúc chuyến tàu Matxcova-Volga sắp đến, khi thì trên xe điện, trên xe khách. Nạn nhân là người già, trẻ em, những người nghèo thường xuyên đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng. Cả thành phố hoảng loạn, những khuôn mặt phờ phạc nem nép lo sợ lết đi. Xe bus rồi xe khách trống người. Sự yên ắng đeo đuổi hàng đêm.


Mình thì ít ham vui, hiếm khi lên quảng trường trung tâm ngoài lịch gọi lên khám của bác sĩ. Nhưng cuối năm thế này, cũng muốn ghé qua một nơi trên đường lên đó, chỉ để đứng từ xa trong một góc ngắm một người. Cô gái ấy tên là Kachia. Một cô gái giúp việc trong siêu thị, người Nhật hay người Hoa mình cũng chưa biết nữa, chỉ chạm mặt có vài lần trong thời gian mình học năm dự bị tiếng Nga. Chỉ nhiêu đó cũng đủ kéo mình vượt bão tuyết tới đó mỗi chiều khờ dại, chỉ để ngắm nhìn, chỉ để đợi chờ ngay cả giữa cơn mơ…
Lặng lẽ đêm về lặng lẽ “Man"
Cơn gió buồn reo thoáng lệ tràn
Bàng quan em nỡ làm ai đợi
Yêu thương dang dở, giấc mơ tan…​
Cô gái trên tàu điện cuối ngày ngày đông năm ấy đã ngoái nhìn mình lần cuối, để rồi từ đó chưa một lần gặp lại. Một năm qua, cũng nhòa phai bóng dáng ai đó chập choạng với những khoảng trắng đen như giữa bức tranh tàu, cũng đã khỏa lấp khoảng chống chếnh vô hồn với đầy những tuyết. Vời vợi một người dẫu chẳng cách xa nhau…
Em đi rồi, không một tiếng chia tay
Bỏ góc quen riêng một mình tôi đứng
Còn đâu nữa một chiều ai chết lặng
Đôi mắt cười, em bước nhẹ qua tôi..

Tôi trông chờ, ngóng đợi có vậy thôi
Mong hạnh phúc từng giây em xuất hiện
Nhớ dáng nhỏ, nhớ môi xinh ngày ấy
Thương mỗi chiều trong gió lạnh riêng em
Tôi yêu nhiều, và sẽ mãi yêu em
Em có biết?! sao trốn hoài như vậy??
Cơn mơ khóc, tìm em nhưng chẳng thấy
Đêm tan tành, muôn mảnh vỡ.. Катья…
Em xa rồi, xin em hãy quên tôi
Bận tâm chi một người trên phố lạ
Vẫn đến - đi trong những chiều như thế
Lặng lẽ yêu người trong một góc cô đơn!
Gió quất tóc vào mắt nghe thật rát, đá những lớp tuyết đã đông cứng thành băng nghe lạo xạo. Ở Volga có một loại nắng gọi là nắng kim tan, à quên, nắng kim cương. Nhiệt độ đột ngột rơi xuống nhưng chưa quá lạnh, chỉ đủ để hơi nước trong không khí ngưng tụ lại chút xíu, nhè nhẹ buông trong nắng lấp lánh như bụi kim cương, huy hoàng và lộng lẫy. Còn giữa trời Đông này, lạnh rồi nên chẳng còn nắng kim cương nữa, lạnh xíu, ẩm xíu là có tuyết ngay. Trời đã ngưng tuyết từ giữa tuần, nhưng băng tiêu giờ mới nở bung trên muôn cành run rẩy. Vậy là thành phố vào mùa hoa, hoa tuyết. Trắng cành, trắng nụ, trắng trần gian. Trắng cả trời đông, thoát cảnh phàm…


Mình bước dưới những hàng cây đẹp như trong cổ tích ấy, đưa tay rung nhẹ những nhành cây. Vô vàn băng tiêu rào rào rơi xuống, trong trẻo. Mưa thủy tinh đang cười đấy, khanh khách như tiếng trẻ con. Băng tiêu tan nhẹ trên tóc, trên tay lạnh buốt. Sững sờ một lát, cười mơ hồ một lát, giá mà có con bé ấy ở đây...

Cuối tuần trước, khi cả thành phố hãy còn bình thường, mình có ghé qua chợ phiên dưới chân đồi Mẹ tổ quốc. Mua đồ thì ít mà đi chơi ngắm nghía thì nhiều. Có lần gọi qua, mẹ mình có hỏi ở Nga người ta sống sao, có khá hơn ở Việt Nam không. Mình cũng chả biết nói thế nào, chỉ tả lại cho mẹ những khung cảnh nơi đây mà mình trong thấy. Ở chợ, trong khu nhà có mái che người ta đon đả bầy bán thịt trên bàn, nhưng cũng có những phần xấu xí hơn chỉ được đặt dưới đất trên những miếng giấy caton, và dĩ nhiên những phần đó dành bán cho ai thì ai cũng biết. Ở đâu cũng thế thôi, có người giàu cũng có kẻ nghèo, có người đứng ở đỉnh danh vọng nhưng cũng có người sống dưới đáy rong rêu, xin ăn từng bữa. Mình thích ngắm những đứa trẻ, vì chúng hồn nhiên, ngây thơ và vô tội. Nhưng buồn một nỗi ở đây đến trẻ con cũng khác nhau. Đứa theo mẹ đi chợ thì trắng trẻo sạch sẽ hồng hào, hồ hởi ngóng chờ được mua cho cái này đẹp cái kia ngon. Đứa theo gia đình ra chợ bán hàng thì ngây ngô đứng trước sạp rau củ, thi thoảng thổi phù phù xoa hai ban tay lạnh cóng dính đầy đất từ khoai tây cà rốt lúc bán hàng cho khách, chờ tới cuối phiên, hỏi xin chừng vài chục rúp, tranh thủ lúc bố mẹ dọn hàng mới chạy thật nhanh vô khu có mái che, mua lấy vài lạng kẹo để nhấp nháp cả tuần. Mình thường ghé qua sạp của những chú bé đó, mua nhiều trái cây và cười cảm thông với chúng. Thường cũng chỉ là những trái cây rẻ tiền, sắp hết đát… giống mình, thế thôi, thực ra chỉ cần có thứ nhấm nháp lúc đâm đầu vào học hay buồn quá chả biết làm gì ngoài vận động cơ răng. Sinh viên mà, nhàn rỗi mà, suốt ngày chỉ quanh quẩn từ Ký Túc tới trường, cuối tuần lang thang chợ phiên vài tiếng, với cả bận rộn nữa, độc thân nữa, chả biết dòm ngó đến ai. Thường chiều chiều nghịch ngợm ở sảnh tầng 3 có mỗi em mèo hoang trong KTX chạy qua thấy lạ nghểnh cổ đứng nhìn.
Trước hình như em ấy được phòng nào chăm bẵm, rồi từ ngày có quy định cấm vật nuôi, em mèo tự dưng bị xóa sổ, tháo dây chuông, tống cổ ra khỏi phòng, quẩn quanh ngủ bờ ngủ bụi khắp 5 tầng ký túc. Bộ lông mượt từ ngày kém tắm trở nên xơ xác, bù xù, cái đuôi toe tua lúc nào cũng dựng đứng lên ngoe nguẩy. Ăn thì bữa đực bữa cái, lúc được chào đón ở bếp tầng này, lúc bị xua đuổi ở hành lang tầng kia, nghĩ cũng tội. Đến cả người chơi cùng giờ cũng ít, hay thấy em ấy một mình bò toài nghịch đuổi bắt với mấy cọng rau. Cuộc đời mà, người ta trở mặt nhanh lắm, cứ hoảng hốt thì cả đời chỉ có không ngờ, không ngờ, không ngờ…


Trùng hợp thay, năm mới ở đây thì ở nhà cũng bước vào tháng củ mật – tháng cẩn trọng và kín đáo. Bởi lẽ tháng chạp là tháng cuối năm, nhà nhà bận rộn lo dọn dẹp sắm sửa đón xuân, nhiều kẻ cũng lợi dụng thời điểm này trong năm để đi ăn đêm kiếm tiền tiêu Tết. Mùa Đông năm nào thức khuya cùng bố mẹ lùi khoai giữ bếp sưởi ấm cho đàn lợn mới sinh cũng được nghe kể chuyện ngày trước, khi HTX còn cấm giết mổ lợn, có một nhà trong làng nuôi trộm 1 con, tính đến Tết mổ ra, chia anh em mỗi nhà vài miếng. Trong đêm giao thừa đó, con lợn được làm sạch sẽ, để kín trong buồng, phần thịt để những ngày Tết làm cơm mời khách, còn mọi người hý húi dưới bếp nói chuyện, làm cỗ lòng ăn tạm đón giao thừa. Rồi có tên trộm láu cá lẻn vào, vác nguyên con lợn trốn qua cửa sau. Khi cả gia đình hồ hởi lên nhà chính đón giao thừa, mới thấy công sức mấy tháng cuối năm bốc hơi từ lúc nào không biết, trước thềm năm mới mà chưng hửng đứng nhìn nhau, dở khóc dở cười. Rồi cũng có câu chuyện ngày về xã gần bên, có ông cụ mùng hai Tết uống rượu đón khách, ăn miếng hành cuốn, thấy khó chịu quá liền xin phép lui qua nhà trong nằm, tới giữa ngày con cháu vô thăm thì thấy người ông đã lạnh. Đúng là cuộc sống, chẳng thể đoán biết được điều gì, giữa cái sống chết được mất con người chỉ biết chệnh choạng nhìn nhau, chẳng khóc, không lẽ lại cười…

Những người phụ nữ ở làng quê dường như chưa bao giờ thoát khỏi nỗi ám ảnh về cái đói. Bà ngoại bao giờ cũng chắt chiu, còn mẹ mình bao giờ cũng lo lắng về bữa tới. Nghe mẹ kể có một tháng củ mật năm nào, ngoại mình ngồi ở chợ cóc bán dăm mớ rau muống cuối mùa, từ sáng tới giữa trưa mới bán được đôi mớ, hai trăm đồng. Trời mưa, có đứa bé ăn xin đội tấm áo mưa cũ nát đi qua, đôi mắt tròn to tội nghiệp ngửa tay xin ngoại mình một đồng. Ngoại thương cảm dúi cho hắn một trăm con. Đứa bé ăn xin cúi đầu cảm ơn rồi lết đi tiếp. Con đường mưa lầy lội. Nghĩ thế nào, ngoại với theo nó, móm mém cười nhét vào tay nó thêm năm trăm đồng nữa. Ngoại mình mà, lúc nào cũng thương người như vậy cả…

Nhắc tới ngoại lại nghĩ đến người già ở Volga, những người vui tính, kiên nhẫn và tốt bụng. Từng được một bà lão cho bao nhiêu là táo trong một lần mình đi học về muộn và ngỏ ý muốn xách túi giùm bà. Nhưng đâu phải người già nào cũng hãy còn được ở cùng con cháu để có người chăm nom, có chốn đi về. Ở KTX số 1 hay bên đây cũng vậy, ở đâu cũng có không ít người già sống nhờ thùng rác. Nhẹ nhàng thì giống ông lão dọn vệ sinh sống trong Ký Túc, mùa hè quét dọn khung viên, nhặt từng đầu thuốc túi nilon, mùa đông thì đục băng cào tuyết. Khó khăn hơn thì có những người già ngày nào cũng ghé lại bãi rác, nhặt chai lọ lỉnh kỉnh gì đó, không biết bán được bao nhiêu đồng lẻ. Tội nghiệp nhất có lẽ là những người già không biết nương tựa vào đâu, cũng không biết làm gì để sống. Họ ngày qua ngày, bất kể đông hè đều lui tới thùng rác, kỳ cạch mở bằng được từng túi rác, kiếm những thứ có thể nhai, nuốt và sống được. Họ uống những giọt nước cuối cùng trong hộp, ăn những lát bánh mì mốc cuối cùng trong túi và đôi khi là nhá cả xương… Hình như trong số họ ai cũng có một chiếc bị lớn, trong đó chứa một ít áo quần, đồ ăn dự trữ dành cho nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần và để gối đầu ngủ mỗi đêm. Mình có biết một ông cụ như thế, râu tóc bạc phơ, thay vì cầm bị, hãy để cụ mang chiếc gậy dài và khoác thêm áo choàng trắng, đảm bảo cụ sẽ lại đẹp lão như bước ra từ phim Chúa Nhẫn. Cụ thường ngồi ở ghế giữa hai hàng cây trên đường mình tới trường, nhai những mẩu bánh mì khô cứng nhưng vẫn yêu đời, cười khà khà và thi thoảng bẻ cho lũ chim vây quanh vài mẩu vụn. Những ông bà đó hẳn đã nếm đủ vất vả khó nhọc ở đời, giờ già rồi, chả cần gì nữa, chỉ cần sống qua ngày, vui với đời thêm này nào hay ngày đấy, cực thì cũng cực thật đấy nhưng được cái thanh thản nhẹ nhàng chẳng vướng nợ ai. Sau này mình già cũng chỉ cần có vậy thôi, chẳng cần hình thức gì hết, đỡ phải xin con cháu mỗi tháng 7000 đồng để đi chùa khấn phật. Vô hình tức là hữu hình, không nắm giữ gì nghĩa là có trong tay tất cả, đôi lúc cũng đùa: sau về già sẽ tính tiếp, mình có quen sư cụ ở chùa mà, trước kia hồi hai đứa còn trẻ con, ngoại dẫn chú tiểu ấy về chơi với mình hoài, quan hệ rộng bao giờ cũng tốt :D

Giờ này ở nhà hẳn mẹ cũng đã ủ thóc giống vụ xuân, nếu ở nhà sẽ rục rịch cùng mẹ chuẩn bị ra đồng thu đậu tương, làm bờ, dẫm gốc, căng mạ. Rồi thì cả làng lại rục rịch cấy sớm trước Tết, lại leng keng tiếng xe đạp trong sương mờ mỗi sớm mai, lại liêu xiêu những dáng gầy tay tím tái vì gió bấc thoăn thoắt cấy thẳng tắp từng hàng. Những dáng người ấy có mẹ, có bà, có những cô gái mới lớn theo mẹ ra đồng, và có cả những thiếu nữ làng bên sang đây cấy đợ. Những cô gái ấy thường che khăn kín mặt, chỉ để lộ đôi mắt nhanh nhẹn, ngượng ngùng, cấy môt mạch từ tờ mờ sáng tới giữa trưa, ngại cúi lên cúi xuống nhiều lần, ngại lên bờ nghỉ tay vì sợ bị chủ kêu lười biếng. Mẹ bảo những cô gái ấy là con nhà nông, chịu thương chịu khó, những lúc nhàn tảng không bận học hành thì đan lát, cấy thuê phụ giúp gia đình. Có thể những đôi mắt ấy đã sớm phải lo toan, có thể những đôi tay ấy sớm phải vàng phèn nhưng mái tóc họ vẫn đen dài, búp chân vẫn trắng tròn như hoa lúa. Thì chính mẹ mình cũng từng đi cấy thuê, từng thức dậy leng keng xe đạp đi từ sáng sớm, tới những ngã ba ngã tư chờ chủ tới chọn thợ. Được mướn thì theo chủ về nhà ăn chút cơm sáng rồi đi ủng, nhổ mạ, ra ruộng cấy một mạch tới trưa, nghỉ ăn cơm ngoài đồng một chút rồi lại cắm mặt cấy từ trưa cho tới tối mịt mới về, công thợ 25 ngàn một buổi. Nếu không được mướn thì chị em rủ nhau đi vòng về làng bằng lối khác vì sợ bị người làng cười cợt. Mình vẫn nhớ bao giờ đi cấy thuê về, mẹ cũng mua cho hai anh em một chiếc bánh mì ngọt, khi thì hình con cua, khi thì hình chiếc lá, rồi vừa cời bếp than sưởi ấm vừa kể cho các con nghe chuyện những người đi cấy. Mình biết những người thợ cấy nhà quê bấm bụng chịu đói vì không biết mở nồi cơm điện nhà chủ, mình biết những bác thợ cấy sáng sớm nghe chị em ý ới gọi đi, vội vội vàng vàng mang dép cọc cạch một chiếc của mình, một chiếc của chồng, rồi biết cả chuyện có một nhà nọ mướn thợ cấy, cuối ngày anh chủ gọi cô thợ vào nhà nghỉ ngơi uống chén trà cho ấm, rồi đột ngột dang tay ôm lấy, ngay lúc đó chị vợ chờ sẵn trong buồng sực ra, cùng chồng diễn vở đánh ghen té tát hòng đuổi cô thợ cấy tội nghiệp trắng tay ra về, quỵt vài chục ngàn công sức cả ngày ngoài đồng cóng thân quặt lưng cấy của người ta… Có lẽ trong những cô thợ cấy tội nghiệp ấy có một người từng ghé vào nhà mình tắm nhờ mà cả nhà mình không ai hay biết, một người phụ nữ khá trẻ, ít nói, đôi mắt buồn đưa tay nhận lấy bọc cơm nóng của dì mình gửi đem về cho mấy đứa con. Người ta cũng có tự trọng của người ta, cũng có gia đình của người ta, cũng khao khát một cuộc sống no ấm đủ đầy cho chồng con, nào ai muốn bữa cơm dọn lên chỉ có muối và ớt, chỉ có quả trứng rang mặn cho hai đứa trẻ con. Đức hy sinh là đức cao quý nhất, dù có ở thời nào.

Mình được thừa hưởng tính lo nghĩ về tương lai từ mẹ. Mẹ bảo nỗi sợ đó của mẹ bắt nguồn từ những năm tháng đói kém, suốt ngày chỉ sợ không đủ no, sợ trời mưa ông bà ngoại không đi rừng kiếm được tiền mua gạo. Đi quảy gạch tới ho ra máu, đi rừng bị cướp, bị đánh tím người, đi băm sắn cả ngày è cổ những thúng mấy chục cân mà tối về mâm cơm dọn lên cho đàn con vẫn độn những ngô với khoai, thức ăn rau dưa lèo tèo, bố mẹ ngồi ngoài cùng nhường đám con chẳng dám gắp, thi thoảng có ngày giỗ ngày rằm, cúng cơm có quả trứng luộc thì chia đều thành 7 phần cho bảy đứa. Mẹ mình hồi bé lúc còn đi học cũng đi làm thuê cho người ta hoài, cũng nhổ cỏ vườn chè cho nhà người ta cả tuần mới đuợc trả công bảy ngàn đồng, ở lại ăn cơm trưa nhà người ta thì bảy ngày như một, riệt môt món canh mướp nấu với lạc nhân. Có người hàng xóm qua hỏi chuyện, chủ nhà nói rõ đanh “cho nó ăn thế là đã may, chớ cái mặt nhà nó ở nhà thì cháo cũng không có mà húp…” Thì cuộc sống mà, người ta không sống chỉ để ăn, vả lại cũng chưa đi đến hết cuộc đời, ai mà biết ở nhân gian thế nào là hơn, là kém?!

Tuổi thơ của mình gắn liền cùng những mùa xuân với sườn đê nở đầy hoa dại, với những cây hoa ly ty màu tím bé xíu, với những cọng me nở trắng lối bờ sông. Còn đâu những sáng tinh sương ý ới tiếng mấy chị em rủ nhau đi chạy, tiếng cót két những cô hàng sớm, tiếng tụi trẻ đùa nhau ngã từ lưng trâu xuống triền cỏ hãy ướt sương mai… Xa rồi, xa quá. Ngày ra đi mọi thứ đã vốn xa xôi, ngày tìm về hẳn càng thêm lạ lẫm.

Giờ này ở Hà Nội cái rét đang giữa độ khan, bạn bè rục rịch trả thi tới những môn cuối cùng. Đứa ra trường, đứa còn có nửa năm, và có cô nàng hình như còn hơn năm nữa. Dù sao thì mình hãy còn được nhởn nhơ nhiều hơn các bạn, hãy còn được làm đứa sinh viên năm hai lớ ngớ. Bỏ mũ áo khoác ra và bước xuống đường soi qua tấm gương thấy tóc tai lòa xòa như đám vô gia cư. Có một sự biện bao mình luôn dùng đến: để tới gần với bộ mặt thật của cuộc đời, chúng ta cần phải vượt qua chủ nghĩa hình thức, còn muốn tới gần với mọi người cần phải đi xa hơn, tức là phải thắng được cái tôi. Mà lên tiếng bao biện với cuộc sống làm gì, đời vốn cân bằng lắm, có chênh chao chăng nữa chỉ là ở trong mỗi chúng ta!
Volga lạnh quá, buốt hết cả mặt. Chợt thèm cái rét ngọt của quê nhà, nhớ. Da diết. Nhớ Hà Nội nữa, nhớ xe đạp SVĐ ngày mưa. Áo hồng bao giờ cũng vô tư như thế, vô tư đến đau hết cả lòng. Có lẽ mình cần phải học từ bỏ để tìm thấy bình yên…

Vậy là tháng củ mật rồi, sắp tới Tết rồi, trả thi vài môn nữa là được ở nhà cả ngày ngủ khềnh khàng đón Tết, thèm được ở nhà, dù có dỡ vài dõng sắn đón Tết đi nữa còn vui gấp vạn lần. Một cái Tết ta lạc lõng giữa trời Nga, thì cũng phải thừa nhận rằng xa quê nghĩa là không có Tết.

Thế thôi!
 
Top